Có nên lấy trai thôi vợ?

Cập nhật: 22-08-2014 | 09:02:20

Ba mươi lăm tuổi, tôi muốn kết hôn. Biết chồng tương lai của tôi là người đàn ông đã qua một đời vợ, dì Út tôi can:

 - Đừng con ơi... có thương chín xe mười vàng đi chăng nữa, lỡ có bầu rồi chăng nữa cũng hãy nuôi con một mình, đừng lấy người đã có vợ!

Tôi ậm ừ vì từ yêu tới giờ chỉ thấy toàn điều tốt từ chồng sắp cưới. Út bồi tiếp:

- Tốt!? Sao vợ nó thôi? Có phải vì khó khăn quá nên sống không vô? Lười biếng, ỷ lại quá nên kham không nổi? Con ơi... nếu không có trai tân để lấy thì thà ở vậy suốt đời chứ đừng lấy trai vợ thôi. Út lấy kinh nghiệm cả đời mình để can con đó!

 Hồi ấy... dì Út tôi mãi 38 tuổi mới chịu gật đầu cưới với một người đàn ông đã qua một đời vợ, có hai con riêng. Dượng làm nghề thợ sửa máy nổ, máy cày nên thu nhập cũng rất khá. Cưới xong, dượng mang theo cái nghề, hai đứa con, và mẹ già về nhà dì Út tôi cùng sinh sống. Út chưa từng lập gia đình, nghề thợ may áo dài của Út cũng có thu nhập khá, ông bà ngoại mất rồi nên ngôi nhà khá to xem như quá lý tưởng cho một gia đình.

Cuộc hôn nhân của Út tôi tồn tại 15 năm. Bà mẹ chồng rất quý dì tôi, bà hay mắng con trai hạch sách, khó khăn, lỗi phải với vợ rằng: "Sứt tay gãy gọng một lần rồi giờ phải biết quý chứ con. Mày khó khăn quá nó "thôi" thì ai dám lấy mày nữa?”. Nhưng lời người mẹ già vào tai con trai cứ như nước đổ lá khoai. Nghề của dì Út tôi thu nhập khá nhưng cũng phải làm trắng đêm, mờ mắt.

Sau cưới hơn năm thì Út sinh con, xui rủi thay đứa con èo uột và bị "chân chữ chi" nên phải lên xuống bệnh viện thành phố mổ xẻ, sắp xương... rất nhiều lần. Kết quả chân đứa bé có hình thù của cái chân nhưng không bao giờ đi đứng bình thường được. Thế nhưng ngay trong thời gian đó, dượng Út không hề quan tâm tới cơm áo gia đình. Gia đình ở đây là mẹ già và hai con của dượng, chứ dì tôi thì đã lấy bệnh viện làm nhà, có ở nhà nữa đâu. Nghề của dượng ít khách nhưng khi có thì thu về bạc triệu. Vậy mà dượng đi bia ôm, nhậu nhẹt hết, lúc không tiền thì đến quán tạp hóa "ký sổ" thức ăn về cho bà mẹ và hai con.

Tiệm tạp hóa không cho "ký sổ" nữa, vì họ biết dì Út tôi không có nhà. Vậy là dượng chửi, chửi cả làng cả xóm, rằng có vợ tưởng được nhờ cậy, tựa nương ai dè chén gạo, hột muối cũng tính từng đồng từng cắc. Còn mấy bà chủ quán tạp hóa là đồ "ăn cơm nhà đuổi gà hàng xóm", bộ tưởng tao không có tiền trả sao. Tiền tao đốt tụi bây cũng phỏng nữa là... nhưng có vợ phải nhờ vợ chứ!!!

Đoàn thể địa phương đến thăm đứa bé bệnh tật, cho một ít nhu yếu phẩm, dượng lấy mớ quà ân nghĩa ấy đổi ra rượu, ra "mồi" nhậu nhẹt hết.

Ngày mẹ dượng mất bà cứ cầm tay dì Út tôi mãi, nói trên đời không có người mẹ ghẻ nào tốt hơn con, không có đứa con dâu nào hiếu thảo hơn con, dám gánh cả bầy người "vô tích sự" mà không đòi hỏi gì hết. Út buồn, nói "Má thương con, hiểu con vậy là được rồi. Đời người gặp nhau, sống với nhau là duyên nợ, biết rồi kiếp sau má và con có được làm má - con của nhau không".

 Cơ ngơi của Út tôi dành dụm từ trước khi lấy chồng to lớn và dư dả bao nhiêu thì đến khi thôi chồng chẳng còn lại gì ngoài vuông đất đủ cất cái nhà 4 x10m. Tất cả đã đổ vào bệnh tật con chung, học hành và phá phách của con chồng cùng nợ nần của ăn nhậu và bao cú "làm ăn" của chồng. Dượng làm chủ thảo hụi ngày, mua bán phụ tùng máy cày, máy kéo, mở tiệm mua bán xe máy cũ... Nhưng tiền lời không thấy, chỉ thấy lâu lâu về tỉ tê vợ "cho mượn" một ít làm vốn. Giọt nước tràn ly là lần dượng lấy giấy đỏ có tên chủ sở hữu là dì Út tôi, người thừa kế là dượng đi thế chấp ngân hàng. Nhưng... kẻ ký tên ở mục chủ sở hữu là một người đàn bà nào khác chứ không phải dì tôi!

Kết quả dượng không có khả năng trả nợ, dì tôi không còn tiền, thửa đất về tay người khác. Người đó khi biết rõ chuyện đã nhân từ cho dì tôi lại 4 x 10m đất cất cái nhà trú thân.

Mười lăm năm sau cưới, dì tôi ly hôn và nuôi đứa con tật nguyền. Dượng ra đi sau khi vòi "một ít tiền xe". Hai con riêng của dượng giờ đã lấy vợ lấy chồng nhưng lâu lâu vẫn tạt về thăm dì tôi, miệng gọi mẹ... mẹ như ngày nào.

Làm sao có thể tin được người đàn ông nào thôi vợ đều vì những lý do y chang nhau? Nhưng ở tuổi này của tôi trai tân còn mấy người để lấy? Nếu có còn, biết người ta có chịu lấy mình?

Tôi thu nhập ổn định, nhà cửa đã đàng hoàng, yêu thì yêu nhiều nhưng lại không muốn "đánh cuộc" với ông tơ vì tuổi tác đã không còn cho phép. Biết lấy ai bây giờ, trai tân thì khó kiếm, người thôi vợ thì đầy ra mà cứ gờn gợn những lời gan ruột của dì.

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=540
Quay lên trên