Có phải mãng cầu xiêm trị ung thư?
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có thông tin về việc thương lái đi đến các nhà vườn để thu mua lá mãng cầu xiêm. Hỏi người mua thì cho biết họ bán lại cho “lò” ở Bình Dương để điều chế thuốc trị ung thư (!?) Rất nhiều người cho rằng, đây là một trong những “chiêu” như mua rễ tiêu, lá điều, lá khoai lang, móng trâu bò… một thời làm người dân điêu đứng. Dược sĩ Bùi Kim Tùng đã có bài cảnh báo về điều này.
Thành phần hóa học có trong mãng cầu xiêm gồm: Alcaloid thuộc nhóm isoquinon như: reticuline, coclaurine, coreximine, anomurin, anomuricin (Leboeuf 1981). Những chất này có nhiều trong vỏ cây, hạt, lá. Các chất này độc nên chỉ dùng làm thuốc trị chấy rận. Quả xanh có ít hoạt chất nên bớt độc, dùng trị tiêu chảy (isoquinone có tính kháng khuẩn). Quả chín không còn chất độc nên ăn được nhưng không ngon bằng na (mãng cầu ta). Cần chú ý, annonaceus acetogenins có khả năng diệt một vài dòng ung thư gan trong ống nghiệm, nhưng cũng diệt luôn tế bào lành mạnh. Xin nhấn mạnh, thịt quả chín chỉ có tính nhuận trường.
Xưa kia dùng dịch chiết hạt để trị chấy rận. Khi gội đầu, dịch chiết rớt vào mắt gây viêm giác mạc. Kết quả thử trong ống nghiệm, dịch chiết hạt mãng cầu trị được vài dòng ung thư gan nhưng cũng diệt luôn tế bào lành mạnh. Từ kết quả trong ống nghiệm tới thử nghiệm lâm sàng là con đường dài gian nan như một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc. Thế nên dược liệu này bị bỏ xó. Nguyên tắc căn bản sử dụng thuốc là “an toàn và công hiệu”, an toàn ưu tiên hơn công hiệu. Dịch chiết hạt mãng cầu tiêu diệt cả tế bào lành mạnh nghĩa là không an toàn.
Một vài “lý thuyết gia” đã giải thích cơ chế tác dụng của các isoquinone - chúng ta biết rằng ADN là sợi kép xoắn vòng, phải tách riêng từng sợi mới có thể sao chép (phân bào); sự kiện này cần tới enzym ADN gyraz. ADN gyraz (hay topoisomeraz) là một tetramer cấu tạo bởi 2 tiểu đơn vị alpha và hai tiểu đơn vị beta. Nó giữ nhiệm vụ quan trọng trong quá trình cắt đoạn và nối đoạn cũng như nới vòng và xoắn vòng ADN. Isoquinone gắn kết với tiểu đơn vị alpha, vô hiệu hóa ADN gyraz, ngăn cản sự phân bào; bất cứ đó là tế bào lành mạnh hay ung thư, ngay cả vi khuẩn. Chứng cớ là người dùng nhiều isoquinone bị suy tủy xương, thiếu máu, lớp lót (submucosa) ống tiêu hóa suy tổn… đây là những tế bào sinh sản liên tục. Chúng ta biết rằng đời sống vi khuẩn rất ngắn nên cần sinh sản để duy trì nòi giống, isoquinone kháng khuẩn với cơ chế này. Điều này giải thích việc dùng quả mãng cầu xiêm xanh trị tiêu chảy nhiễm khuẩn. Nếu isoquinone ức chế sự sinh sản tế bào ung thư thì mô ung thư không phát triển. Lời giải thích này không được nghiên cứu thêm với bệnh ung thư do liều isoquinone cần dùng quá cao, sát với liều độc.
Cơ quan y tế đã từng khuyến cáo internet đưa tin “không đáng tin cậy” gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Internet phản bác: họ chỉ là cơ quan thông tin, kể cả ‘tin vịt’; còn tin dùng hay không họ không có trách nhiệm; nói khác đi, internet đưa tin “chơi”, trách nhiệm thuộc phía bạn đọc. Đây là kiểu “sống chết mặc bây, tiền internet bỏ túi”. Những “lang vườn” bèn nhân cơ hội này, sản xuất gói lá thuốc nam trị ung thư để làm giàu. Họ cho người đi thu gom lá mãng cầu xiêm khô. Tung tin “thuốc gia truyền”, thuốc của vua này chúa kia, thuốc của tử tù trăn trối trước giờ hành hình. ..
Hái trụi lá, mãng cầu không ra hoa kết trái nên nhà vườn chỉ hái lá có chừng mực. Lượng lá khô thu gom chẳng được bao nhiêu, dân buôn bèn tổ chức hái trộm. Vườn mãng cầu xiêm rộng mênh mông không có bờ rào; chủ vườn bỏ ngủ đi canh trộm! Dân thu gom ham lợi mạo hóa bằng cách ra bãi hoang hái lá bình bát. Cây bình bát mọc hoang nên hái vô tội vạ. Phơi khô trộn vào với lá mãng cầu thật, khó phát hiện. Bạn đọc hãy rút kinh nghiệm, đừng nghe tin đồn thất thiệt mà “ăn quả lừa”.
Theo DS BÙI KIM TÙNG