Cô Phạm Thị Ngọc Thu: Mẹ hiền thứ hai của bé

Cập nhật: 27-05-2010 | 00:00:00

“Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô giáo hai mẹ hiền”, lời bài hát trên rất đúng với hoàn cảnh của cô Phạm Thị Ngọc Thu, giáo viên trường Mầm non Hội Nghĩa (Tân Uyên). Chưa từng làm mẹ, nhưng năm nào cô Thu cũng có một đàn con suốt ngày tíu tít, vây quanh.

Thời còn học phổ thông, mẹ của Thu muốn con sau này học ngành kinh tế để đỡ tấm thân, nhưng cô đã chọn cho mình ngả rẽ khác, đó là ngành sư phạm. Yêu trẻ nhỏ, thích sự ngây thơ trong sáng của các bé, từ nhỏ cô Thu đã nuôi ước mơ có ngày trở thành cô giáo mầm non, một ngành học được cho là cực khổ mà ít ai chọn lựa. Năm 2004 ra trường, cô được điều về dạy ở trường Mầm non Hội Nghĩa cho đến nay. Năm đầu tiên, cô được phân công dạy lớp mầm, đây là lớp cực nhất trong 3 lớp mẫu giáo, có những giáo viên sợ khi phải dạy lớp này, vậy mà Thu thì lại thích, vì cô muốn bắt đầu từ cái khó để chứng tỏ khả năng của mình. Chưa làm mẹ, nhưng có lẽ nhờ có năng khiếu và chuyên môn vững, các bé lớp cô phụ trách rất ngoan và nhanh chóng đi vào nề nếp lớp. Cô nhớ lại: Nhớ ngày mới nhận nhiệm sở, áp lực công việc nhiều và có nhiều tình huống xảy ra mà mình không lường được, nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua để làm tròn nhiệm vụ là người mẹ thứ hai của các bé. Những bé mới ngày đầu đến trường, vừa thấy cô đã khóc toáng lên, rồi mấy bé khác cùng khóc theo. Thế là cô phải dỗ dành, dụ ngọt bé. Chưa hết, cô còn phải dạy bé đi vào khuôn khổ, nề nếp như: tự ăn, tự phục vụ vệ sinh, dạy bé lễ phép với người lớn... Thấy cô không quát nạt mà còn thân thiện, yêu thương, dần dần bé quý mến cô và thích đi học hơn.

Hai năm nay, cô Thu phụ trách lớp lá. Đây là lớp cuối cùng ở mẫu giáo, trọng trách của người giáo viên cũng khá nặng nề vì phải dạy bé làm quen với chữ - số để chuẩn bị vào lớp một. Nhiều phụ huynh hài lòng khi con họ tự tin vào lớp một cũng nhờ sự dạy dỗ của cô Thu.

Đến lớp cô Thu, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi các bé gọi cô bằng 2 tiếng thân thương “mẹ Thu”. Được các bé yêu mến gọi bằng mẹ, cô cảm động lắm và đó cũng là niềm hạnh phúc của người thầy khi được học sinh tin yêu. Cô nói, ban đầu chỉ một vài em gọi, rồi sau đó những bé lớp khác cũng gọi theo. Theo cô Thu thì, muốn các bé tin tưởng, coi như mẹ ở nhà, cô giáo phải chơi với bé như người bạn và ân cần chăm sóc, dạy dỗ như người mẹ, các bé được quyền nói lên những suy nghĩ của mình, thì các bé mới gần gũi với cô giáo.

Đặc thù ở lớp mẫu giáo là học mà chơi, chơi mà học. Với trẻ mẫu giáo cần có nhiều đồ chơi, đồ dùng dạy học, nhưng đồ dùng sẵn có thì không nhiều, vì thế các cô phải làm đồ chơi cho bé. Cô tâm sự: Đã bước chân vào ngành giáo dục mầm non phải có sự sáng tạo để làm đồ chơi cho các bé. Tôi thích nhất là những lúc cô trò cùng túm tụm nhau làm đồ chơi. Từ những vật dụng như hộp sữa, yaourt, hộp giấy do cô và các bé đem vô, không mấy chốc cô trò đã biến những thứ bỏ đi ấy thành những đồ chơi muôn vẻ. Qua đây còn giúp bé phát triển khả năng tư duy ngay từ lứa tuổi mẫu giáo. Bé nào làm nhanh, làm tốt cô khen, bé nào chậm hơn thì cô động viên để bé không tự ti với các bạn.

6 năm không phải là dài, nhưng cũng đủ để cô Phạm Thị Ngọc Thu thể hiện được năng lực, tấm lòng yêu trẻ vô bờ, cô thật xứng đáng đoạt giải nhất giáo viên giỏi “giải thưởng Võ Minh Đức ở bậc mầm non, năm học 2009-2010”, do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức mới đây.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X