Cơ quan nào tiếp nhận, xử lý kẻ “quấy rối” bằng điện thoại?

Cập nhật: 25-05-2010 | 00:00:00

Hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể nào về số vụ việc người bị quấy rối bằng điện thoại. Chỉ biết rằng, cùng với sự phát triển gia tăng về số lượng của thuê bao di động đã vượt quá số lượng dân số (hơn 100 triệu thuê bao/83 triệu dân) thì số cuộc gọi, nhắn tin quấy rối cũng vì thế mà gia tăng theo. Dường như chưa bao giờ người dân được chia sẻ thông tin nhiều như bây giờ và cũng chưa bao giờ người dân phải sống trong sự phập phồng lo âu với cảm giác thiếu an toàn, bị làm phiền, bị quấy rối và đời sống riêng tư bị xâm phạm nhiều như bây giờ. Có nhiều cách kẻ xấu sử dụng để quấy rối và khủng bố từ “bom thư” “bom... quà tặng”, email, cho đến điện thoại bàn, điện thoại internet. Tuy nhiên, nhức nhối nhất vẫn là nạn quấy rối và “khủng bố” qua điện thoại di động. Nạn quấy nhiễu, “khủng bố” qua điện thoại hiện nay tồn tại dưới nhiều hình thức và cấp độ. Đó có thể là quấy nhiễu người khác bằng cách gửi tin nhắn, thực hiện các cuộc gọi có nội dung từ trêu chọc, đùa giỡn đến bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm uy tín, danh dự. Và ở cấp độ nguy hiểm hơn là đe dọa, “khủng bố”, tống tiền và tước đoạt tính mạng. Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ 3G với nhiều tiện ích và dịch vụ mới còn là “mảnh đất tốt” để kẻ xấu gửi tin nhắn có hình ảnh và các video clip ngắn có nội dung quấy rối tình dục, quảng bá kiêu dâm, làm cho các đôi lứa, vợ chồng vì hiểu lầm mà ghen tuông, nghi kỵ lẫn nhau dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Việc quấy rối, “khủng bố” bằng điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này vi phạm đến cuộc sống bình thường của con người. Nặng hơn nữa là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc đe dọa làm hại đến tính mạng của người khác. Tùy theo nội dung của cuộc gọi, tin nhắn và tính chất nghiêm trọng của hành vi quấy rối, kẻ quấy rối có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Tại khoản 3, điều 12, Nghị định số 142/2004 ngày 8-7-2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về Bưu chính - Viễn thông đã có quy định rõ: hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Riêng đối với hành vi quấy rối có tính chất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp, liên tục, người quấy rối lo lắng, hoảng sợ đến mức tin rằng có thể bị giết thì có thể cấu thành tội đe dọa giết người theo điều 103, Bộ luật Hình sự.

Thế nhưng, hiện nay có một thực trạng là các nạn nhân nằm trong tình trạng này không biết kêu ai. Có người đến công an thì công an bảo phải liên hệ qua “nhà mạng” để giải quyết. Có người qua “nhà mạng” thì được trả lời là phải thông báo với cơ quan công an, công ty không có trách nhiệm can thiệp vào đời sống cá nhân của khách hàng... Thiết nghĩ, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ ràng, do đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ để giải quyết tình trạng trên, không thể để kẻ xấu tiếp tục lộng hành và người dân vô tội thì phải chịu bao nhiêu phiền toái.

THANH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên