Cô sinh viên vượt qua bóng tối bằng ánh sáng tri thức

Cập nhật: 03-06-2010 | 00:00:00

Số phận nghiệt ngã đã lấy đi ánh sáng từ đôi mắt của Ðào Thu Hương, SV năm thứ tư ÐH Sư phạm Hà Nội. 16 năm qua, với nỗ lực vượt bậc, cô gái 25 tuổi đã tự tin đi trong bóng tối để kiếm tìm một thứ ánh sáng khác - ánh sáng của tri trức.

 

Một ngày giữa tháng 4, Hương được mẹ đưa đến trường THCS Nguyễn Ðình Chiểu để nhận kết quả thực tập tốt nghiệp. Chính tại ngôi trường này, bằng tình thương và trách nhiệm, thầy cô giáo đã trang bị cho em những kiến thức và kỹ năng sống để hòa nhập với cộng đồng và nuôi lớn những ước mơ ấp ủ trong em. Ðó là trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng truyền bá tri thức cho các thế hệ học trò.

 

MC Thu Hương trong một buổi làm từ thiện tại Khách sạn Melia Hà Nội.

 

Thầy Phạm Hữu Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường nhớ về cô trò nhỏ đặc biệt của mình: "Nói đến học sinh cũ trưởng thành từ nhà trường thì em Hương luôn là học sinh được nhắc tới như một tấm gương không chỉ cho các em khiếm thị mà còn cả những học sinh bình thường khác".

 

Khi tận mắt chứng kiến không khí hào hứng trong môn học tiếng Anh của lớp học sinh 6A, chúng tôi không thấy bất kỳ sự ngăn cách nào giữa một cô giáo đặc biệt và đám học trò nhỏ. Quỳnh Mai, học sinh lớp 6A cho biết: "Ban đầu khi cô Hương bước vào lớp, cháu rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ được một cô giáo khiếm thị dạy học. Nhưng qua giờ giảng của cô, cả lớp thấy rất hứng thú học bởi cách cô truyền đạt rất sinh động và dễ hiểu. Từ đó, cháu cảm thấy yêu thích môn tiếng Anh hơn".

 

Bằng những sáng tạo trên những giờ lên lớp, kết quả thực tập của Hương đạt loại xuất sắc, các thầy cô giáo cũ ai cũng chúc mừng cho em. Ðó là thành công đến từ những nỗ lực phi thường với khối óc và lòng quyết tâm của những người không chịu khuất phục trước số phận như em.

 

Cô Nguyễn Thị Loan trước đây từng là giáo viên dạy tiếng Anh cho Hương, và là một trong những người phát hiện ra năng khiếu tiềm tàng trong Hương, vẫn nhớ như in những ký ức về cô học trò "cưng" của mình: "Dù luôn là học sinh giỏi của Trường tiểu học Quang Trung, nhưng cuối năm lớp bốn, khi đôi mắt không còn nhìn thấy mọi sự vật chung quanh mình, Hương chuyển về Trường Nguyễn Ðình Chiểu với một cú sốc lớn. Ban đầu, bỡ ngỡ và lo lắng khi sống trong tập thể những bạn cùng cảnh ngộ, phải chuyển học chữ bằng mắt sang bằng tay, Hương đã mất ba năm để học lại. Ðôi tay bé nhỏ của em không biết bao nhiêu lần bị bút đâm rớm máu trong khi học chữ nổi Brai. Hương học giỏi tất cả các môn và là một học trò có đức tính khiêm tốn".

 

Nhìn lại hành trình đi tìm ánh sáng tri thức của cô sinh viên khiếm thị Ðào Thu Hương, chúng tôi càng nể phục. 12 năm học phổ thông Hương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm số dẫn đầu lớp. Năm học lớp 5, lớp 8 và lớp 9, Hương đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi thành phố, là đại biểu dự Ðại hội tuyên dương học sinh giỏi Thủ đô. Học xong lớp 9, Hương là học sinh khiếm thính duy nhất của trường dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong khi các bạn khác đều đăng ký thi bổ túc văn hóa. Tốt nghiệp cấp hai loại giỏi nhưng không một trường công lập nào dám nhận Hương vào học. Duy chỉ có thầy giáo Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh đã mở cho em lối đi, một cơ hội thắp sáng ước mơ của cô bé sống trong bóng tối.

 

Cầm tấm Bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi của Hương, mẹ của Hương đến xin thầy hiệu trưởng trường Sư phạm xin trả mọi chi phí để em có phòng thi, giám thị và hội đồng chấm thi riêng. Nhìn bảng thành tích nổi bật của Hương, thầy hiệu trưởng đã nhận lời gia đình làm đơn gửi Bộ GD-ĐT đặc cách nhận Hương vào trường. Ước mơ của Hương một lần nữa được chắp cánh.

 

Kết thúc năm đại học đầu tiên, cô sinh viên khiếm thị duy nhất của lớp đạt điểm tổng kết cao nhất lớp 8,5. Cũng từ đó, Hương luôn đứng trong danh sách khen thưởng của trường, khoa cũng như khu nội trú. Cô trở thành tấm gương sáng cho các bạn sinh viên trong toàn trường noi theo.

 

Chu Thị Thu Huyền, sinh viên K56 A nói rằng: "Mỗi khi cảm thấy chán học hay mệt mỏi, em lại nhìn sang chị Hương. Ðã quá nửa đêm nhưng chị vẫn cặm cụi ngồi trên máy vi tính. Chị là người em hay hỏi ý kiến cả trong học tập lẫn trong cuộc sống. Em rất tự hào mỗi khi kể về tấm gương của chị cho bạn bè của mình".

 

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng của Hương trong ngách ngõ Thiên Hùng, phố Khâm Thiên, Hà Nội và được bà Hạnh, mẹ Hương, cũng là người bảo trợ tuyệt vời của em tiếp đón niềm nở. Bao năm qua, khó có thể nói hết được nỗi lo toan và vất vả của một người mẹ có con khuyết tật, nhưng niềm tin ánh lên trên gương mặt của bà về một tương lai tươi sáng của cô con gái đầu lòng.

 

Bà kể: "Nuôi dạy một đứa trẻ bình thường nên người đã khó, dạy dỗ và định hướng cho một đứa trẻ khuyết tật càng khó hơn. Vậy nên gia đình luôn tâm niệm phải trang bị một kiến thức cơ bản và cuộc sống tự lập ngay từ bé cho Hương, để em có thể vững vàng trong cuộc sống ngay cả khi không còn bố mẹ ở bên cạnh".

 

Ngoài giờ học, Hương còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tích cực trong các hoạt động đoàn đội, phong trào văn nghệ do nhà trường, Ðoàn thanh niên và Hội Người mù quận Ðống Ða tổ chức. Mùa hè năm 2008, Hương tham gia dạy tiếng Anh tình nguyện cho các em học sinh khiếm thị trường Nguyễn Ðình Chiểu. Cùng với một du học sinh Việt Nam tại Ba Lan, Hương đã thiết kế một đĩa CD dạy nói tiếng Anh cho các em khiếm thị tại đây.

 

Trong thời gian thực tập cũng là lúc Hương làm luận văn tốt nghiệp. Việc tìm kiếm tư liệu làm luận văn rất vất vả, chiếm nhiều thời gian khiến Hương luôn phải thức đêm để làm việc, nhưng em vẫn sẵn sàng tham gia làm MC trong các chương trình song ngữ Anh-Việt cho các buổi hòa nhạc từ thiện được nhiều khách quốc tế tham dự. Những nỗ lực phi thường của em đã được ghi nhận. Hương đã được Thành hội người mù Hà Nội, Thành ủy Hà Nội nhiều lần tuyên dương Người tốt, việc tốt và Tập đoàn Microsoft tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng thầm lặng".

 

Tháng ba vừa qua, Hương vinh dự được Thành hội Người mù Hà Nội cử tham dự hội thảo về bình đẳng giới và sự phát triển cho người khuyết tật tại Bangkok. Hai tuần ở Thái Lan, cô sinh viên khiếm thị trong tà áo dài thướt tha đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế khi em đại diện cho những phụ nữ khiếm thị Việt Nam lên tiếng đòi quyền bình đẳng giữa những người khuyết tật và những người lành lặn trong tiếp cận tri thức và cống hiến cho xã hội.

 

Dù vẫn đang trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp, nhưng Hương đã được một số tổ chức trong và ngoài nước ngỏ ý nhận vào làm việc. Hương cho biết: "Các thầy cô Trường Nguyễn Ðình Chiểu luôn mở rộng vòng tay đón em về trường làm cô giáo. Cho dù thế nào đi nữa, em vẫn muốn làm một việc gì đó để đền đáp và cống hiến cho ngôi trường Nguyễn Ðình Chiểu".

 

Ðôi mắt Hương không còn nhìn thấy ánh sáng của thiên nhiên, nhưng bằng ý chí và nghị lực, Hương đã vẽ nên một thứ ánh sáng kỳ diệu. Ðó là ánh sáng của tri thức - nguồn sáng giúp em tự tin và vững vàng bước vào tương lai.

 

(THEO NHÂN DÂN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=329
Quay lên trên
X