Có thêm nghề mới - Làm nan lồng chim

Cập nhật: 25-06-2011 | 00:00:00

Đã từ lâu, người dân xã Lạc An hình thành nên nghề đan lát truyền thống với các sản phẩm đặc trưng là thúng, mẹt, thu hút rất nhiều hộ gia đình tham gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây do gặp nhiều khó khăn nên một số hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi làm nan lồng chim và bước đầu cho thấy đây là một nghề mới, có thu nhập khá.

Hiện nay trên địa bàn xã Lạc An còn khoảng hơn 100 hộ tham gia nghề đan lát. Sản phẩm họ làm ra không còn được tiêu thụ mạnh như trước nên thu nhập cũng giảm đi. Nguyên nhân quan trọng là do nguồn nguyên liệu là tre, nứa ngày càng khan hiếm nên đã hạn chế rất nhiều khả năng hoạt động sản xuất của các hộ dân tại đây. Hiện những hộ tham gia làm thúng, mẹt phải mua vật liệu từ các địa phương khác như Bình Phước và Đồng Nai. Tuy nhiên giá bán của các loại vật liệu này cũng ngày càng tăng dần lên. Trong khi đó giá thành của các sản phẩm làm ra lại tăng không bao nhiêu.

 Làm nan lồng chim là nghề mới và mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ dân xã Lạc An Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây nhiều hộ làm thúng, mẹt trên địa bàn xã Lạc An đã nhanh chóng chuyển đổi qua hình thức làm gia công nan lồng chim. Hình thức sản xuất mới này đã tỏ ra có hiệu quả kinh tế hơn so với việc đan thúng, mẹt trước đây và phù hợp với lao động nông nhàn tại địa phương. Ông Bùi Văn Tuyển ở ấp 3, xã Lạc An cho biết: “Gia đình tôi đã tham gia đan thúng, mẹt từ rất lâu rồi nhưng cho đến nay thì thấy làm nghề này ngày càng vất vả do thiếu nguyên liệu. Hiện nay gia đình tôi mới chuyển qua làm nan lồng chim. Tôi thấy làm nghề này nhàn hơn đan thúng, mẹt và phù hợp với sức lao động của những người già như chúng tôi”. “Nếu làm đều tay thì một ngày tôi cũng thu về được 80.000 đồng. Mức thu nhập này cũng cao hơn làm thúng, mẹt và đỡ mệt hơn. Nếu thấy thuận lợi có lẽ gia đình tôi cũng sẽ chuyển nghề qua làm nan lồng chim”, chị Kiên, một nông dân ngụ tại ấp 3 cho biết.

Với hình thức gia công kiểu này người dân không còn lo lắng về đầu ra. Nhiều hộ cho biết nếu các hộ dân tự lo được nguồn nguyên liệu thì thu nhập sẽ cao hơn. Tuy nhiên thực tế, nguồn nguyên liệu trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh hiện nay rất khó tìm. Mặt khác có thể thấy việc khó khăn trong sản xuất của các nghề đan lát thúng, mẹt tại Lạc An trong thời gian qua là do thiếu sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ dân. Chưa có một đơn vị, cá nhân nào đứng ra làm đầu mối thu mua các sản phẩm tại cơ sở. Chính vì vậy giá bán của các sản phẩm tại đây thường chênh lệch khá cao so với các sản phẩm ngoài thị trường.

Hình thức làm nan lồng chim hiện nay bước đầu cho thấy phù hợp với khả năng lao động của các gia đình nông thôn và cũng đã mang lại thu nhập khá cho các hộ dân tham gia. Để không vấp phải khó khăn như nghề làm thúng, mẹt hiện nay, nghề làm nan lồng chim cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng để tiếp tục phát triển, qua đó giúp người dân có cơ hội để tăng thêm thu nhập.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên