Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam

Cập nhật: 09-07-2012 | 00:00:00
 Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mang trong mình dòng máu yêu nước, văn hóa truyền thống của gia đình, được nuôi dưỡng trong một không gian đặc trưng của văn hóa Việt Nam và lớn lên dưới tác động mạnh mẽ của phong trào yêu nước quật cường của nhân dân ta chống lại thực dân Pháp xâm lược trong những năm đầu của thế kỷ XX, năm 1927, mới ở tuổi 15 - tuổi niên thiếu, khi còn đang theo học ở trường Bưởi (Hà Nội), Nguyễn Văn Cừ đã bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước.

Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Lấy cớ các hoạt động yêu nước của Nguyễn Văn Cừ là “hành vi chống đối”, tháng 5-1928, nhà trường thực dân đã buộc anh phải thôi học.

Tháng 8-1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ hội Bắc kỳ của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, Nguyễn Văn Cừ được đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ than Đông Bắc. Nhiệt huyết cách mạng, năng lực tổ chức phong trào, khả năng tuyên truyền cách mạng trong giai cấp công nhân của Nguyễn Văn Cừ sớm được thể hiện và đồng chí đã nhanh chóng trưởng thành từ phong trào của giai cấp công nhân. Chỉ sau một năm “vô sản hóa”, năm 1929, ở tuổi 17, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành người trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có số lượng công nhân tập trung lớn nhất nước ta. Tháng 6-1929, đồng chí trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương cộng sản Đảng.

Tháng 2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Cuối tháng 2-1930, đồng chí thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê - chi bộ đầu tiên của Đảng ta ở vùng mỏ Quảng Ninh. Sau đó, tháng 4-1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các chi bộ Đảng ở Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời. Với những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, ngay từ những ngày tháng đầu mới thành lập, Đảng ta đã đứng vững ở nơi tập trung đông đảo nhất đội ngũ công nhân của nước ta. Lúc này, đồng chí mới 18 tuổi.

Tháng 2-1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt và giam cầm ở các nhà tù Hòn Gai, Hỏa Lò rồi lưu đày đi Côn Đảo. Sau gần 6 năm bị đày ải trong ngục tù đế quốc, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, nhờ kết quả đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 11-1936, đồng chí được trả tự do và lại lao ngay vào hoạt động cho Đảng. Cùng với các đồng chí Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu, Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang..., Nguyễn Văn Cừ đã tập trung vào công tác khôi phục cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và đã thành công trong việc lập lại Xứ ủy Bắc kỳ và trở thành Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ (tháng 3-1937).

Các hoạt động của đồng chí đã góp phần vào việc sửa chữa những khuyết điểm của Đảng về tổ chức, lề lối làm việc của thời kỳ trước, củng cố, xây dựng và tổ chức lại các hoạt động của Đảng cho phù hợp với tình hình mới, chống lại tư tưởng cô độc hẹp hòi trong công tác của đảng viên, đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng.

Năng lực của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Đảng ta khẳng định trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 25-8 đến 4-9-1937. Đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sáu tháng sau đó, với phẩm chất, trí tuệ và tài năng tổ chức đã được thể hiện của mình, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, họp từ ngày 29 đến 30-3-1938 đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong lịch sử Đảng ta, Nguyễn Văn Cừ là người giữ cương vị Tổng Bí thư ở độ tuổi trẻ nhất, khi đó đồng chí 26 tuổi.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã lãnh đạo phong trào cách mạng có những bước phát triển mạnh mẽ. Hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng nước ta, thực dân Pháp tiến hành khủng bố dã man. Ngày 17-1-1940, thực dân Pháp đã bắt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và ngày 26-8-1941, chúng đã hành quyết đồng chí. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã anh dũng hy sinh cho lý tưởng của Đảng - vì độc lập của Tổ quốc và tự do cho dân tộc Việt Nam khi mới 29 tuổi. Đó là tấm gương ngời sáng về một chiến sĩ cộng sản kiên cường.

(Theo Ban Tuyên Giáo Trung ương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=509
Quay lên trên