Quốc hội Pháp đang dự định tăng thuế 50% với ngành công nghiệp sản xuất thức uống có đường, đồng thời cấm các hoạt động quảng cáo, tài trợ cho loại thức uống này. Tại sao nước Pháp lại có thái độ gay gắt như vậy với các loại thức uống có đường?
Thức uống có đường các loại phần lớn chứa đường, chất caffein, một vài loại vitamin (nước tăng lực), một vài loại chứa lượng ít nước trái cây nguyên chất và gas. Không thể bác bỏ một số ưu điểm của thức uống có đường là giúp chúng ta giải khát, chống mệt mỏi, đói bụng, hạ đường huyết trong một số trường hợp.
Theo các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy tần suất sử dụng nước ngọt có đường gia tăng mạnh ở các nước phương Tây. Nếu cách đây 50 năm người dân ở các nước phương Tây tiêu thụ 1-2 lần thức uống có đường/tuần thì nay tần suất này tăng gấp 6 lần (tức 6-7 lần trong tuần). Lạm dụng thức uống có đường góp phần gia tăng tình trạng thừa béo phì, từ đó dẫn đến nguy cơ đái tháo đường và một số bệnh mãn tính khác như tim mạch, huyết áp, ung thư, gia tăng nguy cơ sâu răng, loãng xương. Ngoài ra, chất caffein trong nước ngọt nếu uống nhiều và thường xuyên sẽ làm chúng ta bị lệ thuộc (nghiện).
Từ những lý do đó, xã hội phương Tây đang có xu hướng giảm lượng tiêu thụ thức uống có đường bằng nhiều biện pháp như xây dựng chính sách liên quan đến việc hạn chế bán nước ngọt tại trường học, các nơi công cộng, tụ điểm vui chơi giải trí.
Hậu quả thấy rõ
Theo bà Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, hiện chưa có giới hạn tối đa mỗi người nên uống bao nhiêu nước ngọt có đường/ngày, nhưng giới chuyên môn không khuyên dùng sản phẩm này, bởi các nghiên cứu đã có trên thế giới khuyến cáo tổng lượng đường tối đa cho tất cả thực phẩm có đường như kẹo bánh, nước ngọt, đồ ăn là 20 gam người/ngày. Theo bà Lâm, thức uống có đường là một phần căn nguyên của chứng thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có VN.
Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất ở VN là thức uống có đường đang mê hoặc giới trẻ, với các sản phẩm nước ngọt có mùi trái cây, vị thảo dược hoặc nước ngọt có gas. Thay vì mang nước lọc đến trường, nhiều học sinh đã đề nghị cha mẹ mua nước ngọt hoặc nước có gas để trẻ giải khát sau giờ học. Do ưu điểm giải khát nhanh và hiệu ứng truyền thông dùng sản phẩm x, y nào đó mới là... sành điệu, nên giới trẻ tỏ ra rất thích thú với sản phẩm nước ngọt quảng cáo nhiều. “Tại các nước châu Á tiên tiến hơn như Singapore, cơ quan chức năng đã quy định lượng đường trong thức uống có đường không quá 6%. Nhưng tại VN theo như tôi biết thì chưa có tiêu chuẩn này”- bà Lâm cho hay.
Đồng tình với ý kiến bà Lâm, PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cũng cho rằng dùng nhiều đường sẽ dẫn đến thừa năng lượng, cơ thể phải “cất” đi, nhanh nhất bằng cách tạo mỡ. Tuy chưa tách bạch được thực phẩm nào gây béo phì nhiều nhất ở người Việt, nhưng hậu quả nhãn tiền đã thấy rõ là trước năm 1995, hầu như ít thấy người Việt thừa cân béo phì. Còn nghiên cứu gần nhất trên 17.280 người trưởng thành trên toàn quốc, ngay ở lứa tuổi 25-34 đã có 11,3% thừa cân, 3,8% béo phì, lên đến lứa tuổi 35-44 có 17,2% thừa cân và 7,1% béo phì. Ở trẻ dưới 5 tuổi, ước tính có 460.000 cháu thừa cân béo phì.
Chế độ ăn uống bất hợp lý
Theo bà Lê Bạch Mai, chế độ ăn uống của người Việt tuy có vị thanh hơn nhiều quốc gia khác, nhưng vẫn tồn tại những yếu tố bất hợp lý. Điều tra hai thập kỷ nay thấy người Việt chỉ ăn xung quanh 200 gam rau/người/ngày trong khi nhu cầu cần thiết là 400 gam. Lượng protein, đường ngọt, mỡ béo tăng, nhưng canxi hầu như không tăng, chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu.
Lượng gạo sử dụng trong ngày đã giảm trong 20 năm qua, nhưng thay vào đó chúng ta lại ăn nhiều bánh mì trắng, mì ăn liền, đây đều là những thực phẩm cần hạn chế. Bà Mai dẫn kết quả một điều tra tại Hà Nội cho thấy tỉ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở người dân ngoại thành là 9%, nội thành là 17,1% (với các triệu chứng như béo bụng, rối loạn glucose máu, tăng huyết áp...), chế độ ăn uống có quá nhiều năng lượng (trong đó có năng lượng từ đường ngọt), nhiều muối, lối sống ít hoạt động thể lực, nhiều stress được đánh giá là căn nguyên hàng đầu.
Không chỉ có các bệnh chuyển hóa và thừa cân béo phì, đường ngọt cũng liên quan nhiều đến bệnh răng miệng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tính chung đường và các thực phẩm quy ra đường, năm 1990 mỗi người VN ăn 6kg đường/năm, đến 2007 con số này là 17kg. Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Trịnh Đình Hải cho rằng một phần vì lý do này, trong khi tỉ lệ sâu răng ở trẻ em giảm ở nhiều nước (trung bình dưới 1 răng sâu/bé 12 tuổi) thì ở VN lại tăng gấp đôi so với trước (trung bình 2 răng sâu mỗi bé). Các nhà máy nước ngọt mới đang xuất hiện khắp nơi nhưng cha mẹ người Việt chưa nghĩ nhiều đến việc hạn chế con cái sử dụng kẹo bánh và nước ngọt.
Thủ tướng Lý Hiển Long (thứ hai từ phải sang) tham gia chiến dịch Lối sống khỏe quốc gia 2012 ngày 27-10-2012 Singapore hạn chế quảng cáo thực phẩm có đường, muối
Bộ Y tế Singapore vừa cho biết bắt đầu từ năm 2013, các thực phẩm có chất béo, đường hay muối cao sẽ bị hạn chế quảng cáo nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em và thúc đẩy lối sống lành mạnh của người dân.
“Các nghiên cứu cho thấy quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng ảnh hưởng lớn tới cách lựa chọn thực phẩm của trẻ em, cũng như các món ăn mà cha mẹ chọn cho các em để phù hợp với sở thích con cái” - Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong nêu rõ.
Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban Thúc đẩy sức khỏe Singapore đưa ra những hướng dẫn để người dân tham khảo từ tháng 11-2012, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm trẻ em dưới 12 tuổi.
Singapore cũng đưa ra nhiều sáng kiến để giúp người dân có được lối sống khỏe mạnh hơn. “Nếu chúng ta không muốn mình béo phì, cần phải cẩn trọng trong việc đưa cái gì vào miệng, tập thể dục nhiều hơn. Đối với tôi, tôi thích đi bộ và thích bơi để giữ gìn sức khỏe. Tôi thích đi cầu thang bộ hơn thang máy. Từng hành động nhỏ sẽ đem lại lợi ích lớn” - Thủ tướng Lý Hiển Long viết trên Facebook để vận động cho chiến dịch Lối sống khỏe quốc gia 2012.
Theo TTO