Colombia: Lời hứa hòa bình của ông Gustavo Petro

Cập nhật: 03-10-2022 | 16:44:16

Hôm 28-9, Chính phủ Colombia đã ra thông báo cho biết ít nhất 10 nhóm vũ trang ở Colombia, kể cả băng nhóm tội phạm khét tiếng Gulf Clan và các thành viên bất đồng chính kiến của nhóm du kích cánh tả FARC từng từ chối thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Colombia, đã đồng ý tham gia các cuộc ngừng bắn đơn phương.

“Mỗi nhóm đều có danh tính, bản chất và động lực riêng của mình, nhưng tất cả đều đang thể hiện quyết tâm trở thành một phần của hòa bình toàn diện. Trong giai đoạn thăm dò này, chúng tôi đã yêu cầu họ không giết người, không bắt cóc và không tra tấn. Chúng tôi đang tiến về phía trước” - đặc phái viên hòa bình của chính phủ Danilo Rueda nói với các nhà báo hôm 28-9. Ông Rueda từng tiếp xúc những người bất đồng chính kiến ở FARC để tìm hiểu và thuyết phục họ.


Tổng thống Colombia Gustavo Petro.

Trong số các nhóm vũ trang đồng ý ngừng bắn có 2 nhóm bất đồng chính kiến ở FARC - đó là Bộ Tổng tham mưu trung tâm và Second Marquetalia - cũng như Clan del Golfo (Gulf Clan), Lực lượng Phòng vệ Sierra Nevada de Santa Marta và những nhóm khác không nêu tên. Các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Colombia có lực lượng quân số vào khoảng 6.000 chiến binh. Các nhóm vũ trang và băng nhóm tội phạm này đều tham gia tống tiền, giết người, buôn bán ma túy và khai thác vàng trái phép.

Việc các nhóm vũ trang ở Colombia đồng loạt chấp thuận ngừng giao chiến và đồng ý với các yêu cầu “không giết người” do Chính phủ Colombia đưa ra là một tín hiệu hết sức tích cực cho chính phủ và người dân Colombia. Ở đất nước bạo lực kinh niên, nội chiến kéo dài hàng chục năm và hàng trăm ngàn người chết vì bạo lực, một tia hy vọng về hòa bình đều đáng giá hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Tia hy vọng hòa bình chợt lóe lên cũng góp phần dập tắt những dèm pha của thành phần bảo thủ, không ưa thích Tổng thống cánh tả Gustavo Petro.

Khi nhậm chức vào tháng 8-2022, vị tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia tuyên bố rằng ông sẽ đạt được “hòa bình hoàn toàn” ở Colombia. Ông cũng hứa sẽ thực hiện đầy đủ hiệp định hòa bình đã ký năm 2016 với nhóm vũ trang FARC, gặp gỡ những người bất đồng chính kiến và các băng đảng. Từng là thành viên của đội du kích đô thị M-19, cho nên ông Petro hiểu được mình cần phải làm gì để lôi kéo được các nhóm vũ trang. Ông cho biết chính phủ của ông có thể giảm án cho các thành viên băng đảng giao nộp tài sản bất chính và cung cấp thông tin về buôn bán ma túy.

Ông Petro cũng muốn khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình tại Havana với nhóm nổi dậy đang hoạt động lớn nhất là Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), nhóm đã bị người tiền nhiệm của ông loại bỏ và Rueda đã đến tiếp xúc với nhóm ngay sau lễ nhậm chức của ông Petro.

Những tuyên bố và cam kết hòa bình của ông Petro từng bị thành phần bảo thủ và những kẻ chống lại tư tưởng thiên tả ở Colombia dèm pha, cho rằng ông quá tham vọng và lời hứa “hòa bình hoàn toàn” ở Colombia của ông khó khả thi, bởi quan điểm bảo thủ cho rằng không thể đặt niềm tin vào các nhóm vũ trang, nhất là lực lượng du kích cánh tả.

Nhưng, chỉ hơn một tháng sau khi nắm quyền, những nỗ lực của ông nhằm gỡ rối một mạng lưới phức tạp các nhóm vũ trang đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, khiến các nhà quan sát bảo thủ bị “hố”. Lực lượng dân quân, vũ trang ở mọi ngóc ngách của đất nước Colombia, từ các đội quân du kích vốn từ lâu gieo nỗi khiếp sợ cho dân chúng đến các phe nhóm ít được biết đến như Lực lương Phòng vệ Sierra Nevada đã lên tiếng bày tỏ mong muốn tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, hy vọng sẽ gặt hái được phần thưởng từ việc tham gia ngừng bắn.

Đứng đầu trong số đó là nhóm du kích ELN, hiện đang chuẩn bị khởi động lại các cuộc đàm phán Havana sau nhiều năm đàm phán thất bại. ELN ủng hộ một lệnh ngừng bắn song phương để mở đường cho các cuộc đàm phán mới. Và, để tạo thêm điều kiện cho đàm phán, Chính phủ Colombia cho biết sẽ đình chỉ các vụ ném bom vào các nhóm vũ trang nhằm tránh thiệt hại nặng nề cho dân thường và cái chết của trẻ vị thành niên bị cưỡng ép đi theo nhóm.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, để có được “hòa bình hoàn toàn” như cam kết của Tổng thống Petro thì chính phủ của ông cũng phải làm việc nhiều hơn những lời tuyên bố. Các nhà quan sát cho rằng, con đường dẫn đến hòa bình thực sự sẽ còn dài và đầy rẫy khó khăn, trở ngại.

Trong khi các nhóm vũ trang nô nức tham gia ngừng bắn, bạo lực lại tiếp tục gia tăng khi các nhóm vũ trang tranh giành nhau để mở rộng lãnh thổ và giành được lợi thế chiến lược trước khi bước vào các cuộc đàm phán ngừng bắn sắp tới. Tỷ lệ giết người hàng loạt, ám sát các nhà hoạt động nhân quyền và tấn công cảnh sát đều tăng kể từ khi ông Petro nhậm chức.

Colombia từ lâu đã đấu tranh để củng cố hòa bình sau các thỏa thuận trước đó với các nhóm vũ trang bao gồm cả quân đội cánh hữu vào những năm 2000 và với lực lượng du kích lớn nhất của mình như FARC vào năm 2016.

Nhưng, những thất bại của các chính phủ trước đây trong việc thực hiện thỏa thuận gần đây nhất và đảm nhận quyền kiểm soát những khu rừng rộng lớn do FARC để lại đã kéo theo bạo lực bùng phát trở lại.

Trong khi các băng đảng ma túy lớn khác và quân du kích di chuyển đến vùng đất đó, nhiều cựu chiến binh của FARC đã vỡ mộng với hiệp ước hòa bình, tái lập chiến lược chống lại chính phủ và gia nhập các nhóm mafia mới nổi tập trung vào buôn ma túy. Gần đây hơn, các băng đảng Mexico và các băng đảng Venezuela đã tràn vào Colombia, chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực.

Cho nên, để không tiếp tục tồn tại các nhóm tranh giành quyền lực và thay nhau chiếm chỗ, hoạt động bất hợp pháp, cách mà Tổng thống Petro đang tiến hành có vẻ đi đúng hướng, đó là lôi kéo các nhóm vũ trang tham gia cam kết hòa bình với chính phủ.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=479
Quay lên trên