Việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con em công nhân lao động (CNLĐ) là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay. Do không có nhà trẻ dành riêng cho con CNLĐ nên đã có một số công nhân đành nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con...
Nỗi khổ gởi con
Tại buổi họp gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ và cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bến Cát, chị Nguyễn Thị Chính, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Mỹ Phước I, bức xúc: “Việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con em CNLĐ trên địa bàn huyện Bến Cát và một số địa bàn lân cận còn quá ít. Người lao động phải gởi con rất xa nơi làm việc nên việc đưa đón, rước con rất khó khăn, mất thời gian và trễ giờ làm việc”. Chủ tịch công đoàn Công ty Quận Thạnh Bùi Kim Tiến, phàn nàn: “Với mức thu nhập công nhân hiện nay quá thấp, một số người lao động vừa sản xuất vừa bán vé số để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Khi lập gia đình, do không có nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con công nhân nên họ không biết gởi con về đâu. Hơn nữa, tình trạng nhà trẻ hiện nay đang quá tải và chất lượng bữa ăn của các cháu như thế nào chưa thấy có cơ quan, đơn vị nào kiểm tra”.
Các cháu con công nhân đang được nuôi dạy tại nhà trẻ được xây dựng tại công ty
Từ thực tế, một chủ tịch công đoàn phản ánh: “Qua một thời gian làm việc, lao động có công việc ổn định rồi lập gia đình, sau khi sinh con một số cha mẹ gởi con về quê để ông bà nội, ngoại nuôi nấng; một số khác đành phải chấp nhận ở nhà để chăm sóc con. Bởi từ thực tế trong thời gian qua, công ty có nhiều công nhân nữ làm đơn xin nghỉ việc với lý do ở nhà chăm sóc con nhỏ. Hiện nay ở Bình Dương còn thiếu nhà nuôi dạy trẻ dành riêng cho con công nhân. Do không có nhà trẻ cho con công nhân nên hầu hết công nhân tự gởi con vào nhà trẻ tự phát nên giờ giấc không phù hợp, cơ sở chật chội chưa bảo đảm những điều kiện tối thiểu để người lao động yên tâm làm việc”.
Nhà trẻ tự phát: mừng, lo lẫn lộn
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, hiện nay ở các khu dân cư có đông CNLĐ nhiều nhà trẻ tự phát ra đời. Theo ghi nhận, các điểm giữ trẻ có quy mô nhỏ, giữ trẻ theo yêu cầu, một số giáo viên chưa có bằng cấp sư phạm, cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định của ngành... Chị Thu An ở trọ tại TP.TDM, cho biết: “Sau một thời gian làm việc, công nhân lập gia đình rồi sinh con. Sau 4 tháng nghỉ hộ sản, người mẹ trở lại làm việc phải gởi con đi nhà trẻ. Nhưng hiện nay chưa có một nhà trẻ nào dành riêng cho con CNLĐ nên chúng tôi rất vất vả tìm chỗ để gởi con. Hết giờ tan trường, cha mẹ phải đến rước con về nhưng do đặc thù của một số công việc, công nhân thường xuyên tăng ca; mỗi lúc như vậy thì cha, mẹ đâu biết cậy vào ai để trông chừng con cái (vì chúng tôi là người xa xứ). Từ những khó khăn như vậy nên không ít công nhân sau khi lập gia đình rồi sinh con đành phải gởi con về quê cho ông bà nội, ngoại. Có không ít trường hợp phải chấp nhận nghỉ việc để ở nhà nuôi con”. Mặc dù chia sẻ những khó khăn, trong thời gian qua có không ít doanh nghiệp trong tỉnh đã thực sự tỏ rõ trách nhiệm của mình đối với người lao động. Một số doanh nghiệp đã quan tâm chăm lo bữa ăn trưa, bảo hiểm xã hội, xây nhà trẻ cho con CNLĐ để con em của CNLĐ có được nơi gởi ổn định, phụ huynh yên tâm làm việc. Tuy nhiên con số này vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế hiện nay. Nhà trẻ tự phát là một trong những vấn đề mà trong thời gian qua các ngành chức năng ở Bình Dương luôn quan tâm để chấn chỉnh lại các hoạt động dạy học và có biện pháp quản lý để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn không ít nhóm giữ trẻ theo gia đình chưa đạt chuẩn tối thiểu về diện tích, trang thiết bị, khả năng nghiệp vụ chuyên môn của người giữ trẻ...
Để CNLĐ có chỗ gởi con mà yên tâm làm việc thì các ngành chức năng cần có những dự án xây dựng nhà trẻ cho con CNLĐ. Thiết nghĩ khi xây dựng được nhà trẻ cho con CNLĐ thì có thể linh hoạt được giờ giấc để cha mẹ của các cháu yên tâm làm việc, không còn cảnh cha mẹ phải mất việc khi sinh con.
TƯỜNG VY