Chúng tôi vừa có chuyến tháp tùng cùng 15 CBVC thuộc Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương ra thăm Côn Đảo. Sau 45 phút rời sân bay Tân Sơn Nhất, chuyến bay VN 8055K của Hãng Hàng không Vietnam Airlines đã đáp xuống sân bay Cỏ Ống, đưa chúng tôi đến với Côn Đảo - một địa danh lịch sử nổi tiếng, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nghĩa trang Hàng DươngĐến với đảo ngọc
Con đường nhựa từ sân bay về trung tâm huyện Côn Đảo dài hơn 13km, uốn lượn quanh bờ biển và nhiều chỗ lên đèo xuống dốc. Cảm nhận đầu tiên khi đến khu trung tâm Côn Đảo là một khu đô thị mới hiền hòa nằm bên bờ biển. Những con đường nhựa sạch bóng giữa hai hàng cây bàng và bằng lăng cổ thụ tươi xanh. Ngoài những khu di tích để lại, các công trình hạ tầng kiến trúc, giao thông, cơ quan hành chính, khách sạn, nhà hàng, khu resort, nhà ở đều mới xây dựng. Ấn tượng nhất là công viên phía trước khu Bảo tàng di tích lịch sử, trải dài khoảng 300m dọc theo đường Tôn Đức Thắng, với những vườn hoa, cây cảnh xinh tươi đủ sắc màu, xen lẫn các tượng đài nghệ thuật bằng đá, tạo nên một cảnh quan vừa lộng lẫy vừa tôn nghiêm quyến rũ du khách.
Di tích Cầu Tàu 914
Côn Đảo không có nhiều loại phương tiện giao thông công cộng. Chị Ba Vân, chủ nhà khách Phi Yến cho biết: Ở đây, phương tiện đi lại phổ biến là xe ôm, khách có thể thuê một bác xe ôm với giá 300 ngàn đồng/ngày để đi mọi nơi. Muốn tự do khám phá thì có thể mướn một xe gắn máy với giá từ 100 - 120 ngàn đồng/ngày tùy xe số hay tay ga. Rẻ hơn là xe đạp, với giá 30 ngàn đồng/ngày. Muốn du ngoạn, khám phá các hòn đảo chung quanh, khách có thể thuê ghe thuyền hoặc ca-nô để đi. Từ đảo lớn Côn Sơn đến đảo xa nhất là Hòn Cau chừng 20km, một chiếc thuyền chở 20 người, sáng đi chiều về có giá 5 triệu đồng. Khách cũng có thể ở lại qua đêm trên các đảo, một số đảo có phòng nghỉ dã ngoại hoặc lều, võng phục vụ.
Ngoài những khu resort, khách sạn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch, Côn Đảo còn rất hoang sơ, trầm lắng. Đường sá thưa thớt người đi lại, ngoại trừ những lúc trời giông bão, biển động mạnh, ghe thuyền vào trú ẩn, hàng ngàn thủy thủ lên bờ thì đảo mới rộn ràng lên. Toàn đảo chỉ có một khu chợ tập trung, vài ba nhà hàng hải sản, năm bảy quán ăn bình dân và quán cà phê; khoảng hơn chục tiệm bán hàng tạp hóa, đồ lưu niệm, cắt tóc... Giá cả sinh hoạt ở đây hầu như mọi thứ đều đắt đỏ hơn đất liền rất nhiều.
Niềm yêu thương, tự hào
Anh Đỗ Quốc Vương, hướng dẫn viên của Bảo tàng Lịch sử Côn Đảo cho chúng tôi biết trong 113 năm (1862-1975), hơn 20 ngàn người tù đã chết tại Côn Đảo, phần đông là những người yêu nước, những nhà cách mạng. Những ngày ở Côn Đảo, chúng tôi đi thăm rất nhiều di tích lịch sử cách mạng như trại tù Phú Tường, trại tù Phú Hải, chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ, cầu tàu 914, bãi Sọ Người... Và cũng như bất kỳ ai đã từng đến Côn Đảo, chúng tôi mong chờ giây phút được đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương để thắp nén nhang trên mộ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chị Võ Thị Sáu... Chị Quý, ở Phòng trưng bày thuộc Ban Quản lý Di tích Côn Đảo cho rằng: Về thăm Côn Đảo sẽ khơi gợi lên trong mỗi con người chúng ta niềm yêu thương, lòng tự hào về những hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ. Qua đó, để các thế hệ đi sau hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập, tự do; thêm yêu quý Tổ quốc mình và sống xứng đáng hơn. Côn Đảo là một quần đảo, gồm 16 đảo lớn nhỏ, cách TP. Hồ Chí Minh 230km, Vũng Tàu 185km, Cần Thơ (cửa sông Hậu Giang) 83km. Côn Đảo có tổng diện tích tự nhiên (phần đất liền) là 76km2 , nhưng chỉ đảo lớn Côn Sơn 52km2 là có dân ở. Hùng vĩ giữa biển khơi, khí hậu quanh năm ôn hòa, với nhiều tài nguyên biển, rừng phong phú, đa dạng... nhưng từ thời Pháp thuộc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Côn Đảo chỉ được biết đến như là một hệ thống nhà tù khét tiếng. 36 năm trở về trước, đảo chỉ có trại lính, tháp canh và nhà tù, chưa có dân sinh sống. Cho đến nhiều năm sau giải phóng, Côn Đảo cũng vẫn còn đậm nét hoang sơ, với số dân chưa đến 1.000 người, sống bằng nghề chài lưới, nương rẫy...
Tiềm năng Côn Đảo
Đề án phát triển KT-XH Côn Đảo đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: Xây dựng Côn Đảo trở thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao, gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam; bảo đảm quốc phòng - an ninh; gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế của cả vùng phía Nam Tổ quốc... Qua đó, Côn Đảo được hưởng một số cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ về nguồn vốn đầu tư và có những điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Tiềm năng bắt đầu được khơi dậy, Côn Đảo đang từng ngày “đổi thịt thay da”, kinh tế không ngừng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã tìm đến. Đến nay, Côn Đảo đã có 12 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 52 triệu USD. Đầu tư trong nước có 9 dự án, tổng vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng.
Các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện đại đã mọc lên. Trong đó có dự án resort Đất Dốc 100% vốn đầu tư nước ngoài trị giá 38 triệu USD; dự án khách sạn 3 sao Sài Gòn - Côn Đảo của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, vốn đầu tư 100 tỷ đồng... Du lịch nhân dân cũng đang từng bước hình thành và phát triển, một số nhà nghỉ và khách sạn mini đã được xây dựng. Sân bay Côn Đảo đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng đường băng đưa vào khai thác các loại máy bay có sức chở đến 90 hành khách/chuyến. Về vận tải biển, Côn Đảo có 2 tàu khách, sức chở 390 hành khách và 134 tấn hàng hóa, mỗi ngày một chuyến đi về giữa Côn Đảo và TP. Vũng Tàu...
Đoàn "Về nguồn", công đoàn cơ sở BVĐK tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm trước khi tạm biệt Côn Đảo
Côn Đảo xác định chuyển dịch cơ cầu kinh tế huyện theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ - du lịch - công nghiệp, giảm tỷ trọng nông - ngư nghiệp. Huyện tập trung thúc đẩy chuyển mạnh vốn đã đăng ký các dự án đầu tư sang vốn thực hiện; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư các khu du lịch chất lượng cao; đồng thời chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất xám, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đến đảo phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương. Để đạt mục tiêu đề ra, trước mắt huyện tập trung phát triển nhanh một số ngành dịch vụ có lợi thế so sánh và là thế mạnh của đảo, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá thiên nhiên... Đẩy mạnh các chương trình quảng bá tiềm năng, cùng những đặc thù địa lý hoang sơ quyến rũ của đảo để thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Đi đôi với tập trung phát triển kinh tế, huyện không ngừng củng cố xây dựng Côn Đảo thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh - quốc phòng; tăng cường giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
PHƯƠNG HÙNG - CÔNG TRƯỜNG