Còn đó nét gốm xưa

Cập nhật: 10-11-2023 | 08:45:19

 Nhắc đến các dòng gốm xưa ở miền Nam không thể thiếu gốm Lái Thiêu một thời vang bóng. Cùng với thời gian, dòng gốm này cũng bị mai một dần bởi những nguyên nhân khác nhau. Nhưng những người yêu gốm Lái Thiêu xưa ở TP.Thuận An hôm nay vẫn đau đáu, trăn trở và đã đi tìm, sưu tầm, đưa nhiều sản phẩm gốm Lái Thiêu xưa về lại nơi nó từng được sinh ra. Nhờ đó, những sản phẩm chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất này một lần nữa được hồi sinh, được nhiều người biết đến hơn trên chính đất mẹ đã sinh ra nó.

 Khu vực trưng bày giao lưu các hiện vật của hội viên CLB Cổ vật TP.Thuận An bên trong quán cà phê “Gốm Lái Thiêu” là nơi được nhiều người ghé tham quan, tìm hiểu

Nơi hội tụ đam mê

Đi trên đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn qua phường Bình Nhâm, TP.Thuận An, đến đầu hẻm Bình Nhâm 30 nhìn lên chúng ta sẽ thấy một chiếc bảng nhỏ, bên trên đề dòng chữ “Gốm Lái Thiêu”. Theo chỉ dẫn trên bảng, chạy thêm khoảng 100m nữa là đến quán cà phê “Gốm Lái Thiêu”. Đây cũng là điểm sinh hoạt mới của Câu lạc bộ (CLB) Cổ vật TP.Thuận An. Điểm sinh hoạt này dù đi vào hoạt động khoảng 2 tháng nay nhưng đã trở thành điểm hẹn thú vị của những người yêu gốm, đặc biệt là gốm Lái Thiêu xưa.

Khác với vẻ trầm lắng bên ngoài, ngay khi đặt chân vào bên trong quán là một không gian trưng bày gốm hết sức thú vị, với cả ngàn sản phẩm gốm sứ khác nhau. Mỗi sáng, nơi đây tiếp đón khá nhiều hội viên, người yêu gốm khắp nơi tìm đến uống trà, cà phê và cùng nói chuyện, tìm hiểu về gốm. Cũng là câu chuyện về gốm, về cổ vật thôi, nhưng mỗi ngày đều có sự mới mẻ, thú vị khác nhau cuốn hút người đam mê đến với nơi này. Ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm CLB Cổ vật TP.Thuận An, nói với chúng tôi rằng mọi người đến đây cùng nhau bàn luận, hướng dẫn cho nhau thêm những kinh nghiệm sưu tầm hiện vật. Ai có hiện vật mới sưu tầm được (cả không phải gốm) cũng mang đến để chia vui, rồi cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Những người yêu thích cũng có thể trao đổi hiện vật cho nhau qua những buổi sinh hoạt này.

Theo chân ông Nguyễn Hữu Phúc và anh Huỳnh Minh Thanh, chủ quán cà phê “Gốm Lái Thiêu”, cũng là thành viên trong CLB, chúng tôi có dịp “mục sở thị” các khu trưng bày với những sản phẩm hết sức độc đáo trong khuôn viên quán cà phê độc đáo này. Nói là quán cà phê nhưng nơi đây chủ yếu là không gian trưng bày gốm và những câu chuyện về gốm mới là điểm nhấn chính.

Lối dẫn vào khu vực trưng bày các ấm nước (trà) kiểu xưa (dạng ấm tích) là một chiếc cầu bắc qua con suối nhỏ. Ở đây có rất nhiều kiểu ấm trà được anh Thanh sưu tầm trong nhiều năm. Nhìn những chiếc ấm tích có màu xanh trắng bên ngoài khá giống nhau ở đây, chúng tôi được anh Thanh hướng dẫn thêm về cách phân biệt điểm khác nhau giữa chúng, đó là mỗi chiếc được vẽ theo một kiểu “sơn thủy đồ” khác nhau. Ngoài những chiếc ấm tích cùng màu xanh trắng trên, trong khu vực trưng bày còn có nhiều kiểu ấm trà, ấm tích bằng gốm khác nhau với đủ kích cỡ, vẽ trang trí nhiều đề tài khác nhau. Để có được bộ sưu tập ấm đa dạng về kiểu loại như vậy, anh Thanh bảo phải hơn 10 năm sưu tầm mới sở hữu được nó. “Những chiếc ấm trà, ấm tích ở đây đều có tuổi đời hàng chục năm trở lên. Có rất nhiều loại ấm có nguồn gốc từ các nơi khác, nhưng mình thích nhất vẫn là những chiếc ấm có nguồn gốc từ gốm Lái Thiêu vì nó có một nét đẹp bình dị, gần gũi”, anh Thanh chia sẻ.

Rời khu trưng bày ấm, chúng tôi được dẫn đến tham quan thêm nhiều khu trưng bày khác, như khu trưng bày tượng kỳ lân, tượng Phật với những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ gốm Lái Thiêu. Đây là khu trưng bày được gia chủ rất tâm đắc nên khi nào có khách quý mới mở khóa để mọi người vào tham quan. Bên phải phía trước cửa phòng trưng bày là bộ sưu tập hơn 100 chiếc cối bằng gốm với đủ kiểu dáng khác nhau cũng được anh Thanh hết sức yêu quý.

Giữ lại nét gốm xưa

Bên trong khu trưng bày giao lưu hiện vật của các hội viên CLB Cổ vật TP.Thuận An tại quán cà phê “Gốm Lái Thiêu”, ông Nguyễn Hữu Phúc mang đến đây giao lưu với anh em một cặp lục bình vẽ tích cổ đồ và một bộ văn phòng tứ bảo. Đây cũng là 2 trong những món đồ ông ưng ý nhất trong gia tài hiện vật ông sưu tầm lâu nay. Thấy chúng tôi thắc mắc về bộ lục bình nhưng vì sao trên mỗi bình lại có những điểm khác (không giống y nhau như các sản phẩm gốm sứ hiện đại), ông Phúc cho biết đó cũng chính là cái độc đáo của gốm Lái Thiêu truyền thống. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm riêng, không có cái nào giống cái nào cho dù đó đều do một người tạo ra.

 Anh Huỳnh Minh Thanh giới thiệu bộ sưu tập ấm tích với  hàng trăm chiếc của mình

Theo dòng thời gian, sản phẩm gốm Lái Thiêu với những đặc trưng quý giá của nó, từ tính chất (đất đẹp, bền), đến kiểu dáng sản phẩm chân phương, mộc mạc, bình dị, gần gũi đời sống dân gian, nhưng không kém phần tinh hoa, sắc sảo, nét vẽ hòa với nước men độc đáo, đa dạng đã làm say đắm bao người, đặc biệt là giới chơi đồ cổ. Tùy từng thời kỳ, gốm Lái Thiêu sẽ sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nhu cầu để phục vụ người tiêu dùng. “Ban đầu, gốm Lái Thiêu chủ yếu sản xuất đồ gia dụng thông thường. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, gốm Lái Thiêu bắt đầu sản xuất thêm gốm mỹ thuật, gốm trang trí, xuất ra nước ngoài và được công nhận là sản phẩm có tính mỹ thuật cao. Đây cũng là sản phẩm gốm được nhiều người chơi, sưu tầm sau này…”, ông Nguyễn Hữu Phúc nói thêm.

Sưu tầm, tìm lại giá trị cho những cổ vật, trong đó có gốm Lái Thiêu xưa là niềm đam mê của những hội viên trong CLB Cổ vật TP.Thuận An. Cũng từ đó, rất nhiều hiện vật gốm Lái Thiêu xưa từng đến với nhiều phương trời xa đã có dịp quay trở về vùng đất từng sản sinh ra nó.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thuận An, cho biết trách nhiệm của người làm công tác văn hóa ở địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị ngành nghề truyền thống đã thôi thúc ông suy nghĩ để hình thành nên một loại hình sinh hoạt quy tụ những người yêu thích cổ vật, nhất là gốm Lái Thiêu. Từ sự trăn trở đó, ông và những người mê sưu tầm cổ vật ở Thuận An đã gặp nhau và kết quả là sự ra đời của CLB Cổ vật TX.Thuận An (TP.Thuận An ngày nay) vào năm 2013. “CLB là nơi quy tụ các nghệ nhân, các nhà sưu tầm, những người yêu thích cổ vật; giúp hội viên có một tổ chức để hoạt động đúng định hướng, ý nghĩa truyền thống địa phương và đúng pháp luật. Đây không chỉ là nhiệm vụ của tôi, mà còn là trăn trở, là sự đam mê muốn được ngắm nhìn những hiện vật cổ xưa của quê hương mình...”, ông Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Từ những thành viên ít ỏi ban đầu, đến nay, CLB Cổ vật TP.Thuận An đã quy tụ khoảng 50 hội viên trên địa bàn thành phố và ở một số tỉnh, thành bạn cùng tham gia sinh hoạt. Sưu tầm, tìm lại giá trị cho những cổ vật, trong đó có gốm Lái Thiêu xưa là niềm đam mê của những hội viên trong CLB Cổ vật TP.Thuận An. Cũng từ đó, rất nhiều hiện vật gốm Lái Thiêu xưa từng đến với nhiều phương trời xa đã có dịp quay trở về vùng đất từng sản sinh ra nó. Với những người yêu gốm, mê gốm nhưng không có điều kiện sưu tầm, bây giờ cũng có thể đến quán cà phê “Gốm Lái Thiêu” để ngắm nhìn, lắng lòng trước dòng chảy thời gian qua những hiện vật xưa cũ. Đây cũng là cách giúp người yêu gốm hiểu hơn về văn hóa, lịch sử truyền thống của vùng đất “gặp cây thì thành quả, gặp đất thì thành gốm” này.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên