“Con không muốn...”!

Cập nhật: 23-01-2010 | 00:00:00

Cuộc sống hôn nhân khi không đạt mục đích, họ thường đưa nhau ra tòa ly hôn. Người lớn sau khi ly hôn sẽ cảm thấy dễ chịu vì đã thoát được “gánh nặng”. Còn phía sau, người chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là những đứa con; chúng buộc phải có sự chọn lựa “sống với cha hoặc mẹ”, điều này quả là không dễ...!

Tại buổi hòa giải ly hôn ở tòa án huyện B, trên băng ghế dài trong phòng làm việc, anh N.G.H ngồi một bên, chị Đ.T.V thì ở đầu bên kia. Đứa con ngồi khép nép bên mẹ, nhưng đôi mắt thi thoảng lại ngước nhìn về phía cha. Sau khi nghe thư ký yêu cầu trình bày. Chị V. rơm rớm nước mắt. Chị kể rằng: chị kết hôn đã được 15 năm, có với nhau hai đứa con. Đứa lớn đang ngồi đây đã 14 tuổi. Cuộc sống của họ cũng không đến đỗi khó khăn, vì cha mẹ cho được vài mẫu cao su nên cái ăn không thiếu. Nhưng để có tiền dư đủ lo cho hai con không thua kém, anh H. bàn với chị để anh đi làm thêm ở Thuận An, có người bạn giới thiệu làm một chân bảo vệ công ty đóng tại KCN VSIP, mức lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Nghĩ con cũng đã lớn, anh ở nhà ngoài việc đi cạo mủ thì rảnh việc cũng không làm gì, ban ngày cũng tụ tập bạn bè ăn nhậu nên chị đồng ý.

Ban đầu, anh đi về rất nghiêm túc, công việc ổn định, chị cũng thấy yên tâm. Chị ở nhà cố gắng chu toàn mọi việc trong ngoài. Cuộc sống bình lặng cứ thế mà trôi, trong nhà giờ có thêm nhiều vật dụng để phục vụ cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, thời gian gần đây anh H. đi về thất thường. Cứ đến chiều mà nghe điện là chị biết anh không về. Từ một ngày không về rồi đến hai ngày, cứ thế mà số ngày anh về nhà càng thưa dần. Hỏi thì anh bảo “làm bảo vệ thì phải ở lại trực đêm hôm, ban đầu vì mới vào nên người ta chưa phân công trực”. Chị nghe cũng có lý nên an tâm, không gặng hỏi nữa.

 Một lần, anh H. về nhà trong cơn say túy lúy, vào trong là ngã vật ngủ một mạch. Bao nhiêu năm sống chung, chị V. không hề ghen chồng vì hiểu anh vốn không phải người có tính trăng hoa. Thế mà lần này linh tính thế nào, chị lại mở điện thoại ra xem. Chị thật sự hốt hoảng khi thấy trong điện thoại toàn là những tin nhắn lời lẽ yêu thương, giận hờn, trách móc từ một số điện thoại lạ, không lưu tên mà anh chưa kịp xóa. Bấm máy chị gọi thử thì nghe giọng của một phụ nữ. Thì ra, nguyên nhân để anh say khướt lúc trở về nhà là có sự gây gổ với người phụ nữ kia, theo nội dung chị lờ mờ hiểu được trong những dòng tin nhắn ấy là cô ta  “yêu cầu anh ly hôn vợ” vì cô ấy đang mang trong người đứa con của anh! do anh “không đồng ý” nên hai người đã tranh cãi với nhau.

Đợi đến sáng khi anh tỉnh dậy, chị V. chất vấn thì đã nghe anh H. thú nhận toàn bộ sự việc. Trong buổi nhậu cùng anh em công ty, anh có quen với một nhân viên tiếp thị bia, khác với vẻ già nua, quê mùa của vợ, cô gái xinh đẹp, gợi cảm nên anh đã xiêu lòng và vượt qua giới hạn. Kết quả là như ngày hôm nay. Anh ân hận vì đã không kìm được mình. Còn chị khóc hết nước mắt và quyết định ly hôn. Anh không đồng ý. Dù hai gia đình của họ khuyên can, hai đứa con vẫn mong chung một gia đình nhưng chị vẫn quyết tâm: “Sống với nhau bao nhiêu năm, anh thừa biết tính chị rất cương quyết, đã quyết là làm!”. Có lần xem phim trên T.V, chị vẫn hay bóng gió rằng “nếu anh mà ra ngoài giấu vợ có bồ thì em thà sống vậy nuôi con chứ không sống chung nữa”! Cứ nghĩ đó là chuyện phim ảnh, không ngờ anh lại rơi vào hoàn cảnh như vậy và chị V. đã làm thật. Khi thẩm phán hỏi: “Chị không nghĩ khi mình ly hôn là đã làm vừa lòng người phụ nữ kia, cô ta đang mong điều ấy, còn gia đình chị thì đổ vỡ”. Chị V. trả lời: “Tôi cảm thấy bị tổn thương, bị “nhục” lắm, không thể tiếp tục được nữa”! Thẩm phán nói tiếp: “Còn hai con của chị, chị không suy nghĩ cho chúng sao, trong khi anh đã hứa sẽ thay đổi, về lại với chị và các con...”. Dù khuyên giải thế nào chị V. vẫn không đồng ý, cho dù trước mặt mọi người và thẩm phán thì anh H. đã nói lời xin lỗi. Nãy giờ, chị đã quên để ý đến đứa con gái tội nghiệp đang cúi mặt xuống đất với những giọt nước mắt lăn dài. Chị yêu cầu được nuôi cả hai đứa con nhưng bé gái nay đã 14 tuổi, cháu có quyền quyết định muốn theo sống với ba hay mẹ. Khi thẩm phán hỏi: “Con muốn sống với ai?”. Đứa bé lắc đầu không trả lời, vì trong lòng nó muốn sống chung với ba và mẹ, bây giờ nếu buộc phải chọn một là điều không dễ dàng và đó là điều mà cháu không hề muốn. Mãi một lúc sau, nó mới trả lời: “Con không muốn xa ai hết” rồi vụt chạy ra sân.

Trong tình cảnh ấy, buổi hòa giải buộc phải ngưng lại để anh H. và chị V. về suy nghĩ thêm. Anh H. vì chút nông nổi đã đánh đổi hạnh phúc, còn chị V. thì có cái “tôi” quá lớn, đã gạt bỏ niềm vui của con để đạt mục đích của mình. Người thẩm phán giải bày: “Đứa bé đang trong độ tuổi trưởng thành, nếu chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn và buộc phải lựa chọn một trong hai người để theo, quả là cú sốc tâm lý, sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc mà chúng ta khó lường trước được...”. Ông tâm sự thêm: “Thật vậy, dẫu biết vợ chồng không thể sống chung thì chia tay, nhưng nếu tha thứ được thì vẫn nên tha thứ để con trẻ có cuộc sống hạnh phúc. Nếu quá cứng nhắc và quá coi trọng cái “tôi” vị kỷ thì khiến cho “tình địch” đạt được mục đích, còn mình thì phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé”!

THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên