Kết quả nghiên cứu mới về biến đổi khí hậu đã gióng lên hồi chuông báo động: Độ dày tầng bình lưu của khí quyển Trái đất đã mỏng đi 400 m từ năm 1980 đến nay.
Cần lập tức hành động nếu muốn bảo vệ khí quyển Trái đất
Địa cầu được bao bọc bên trong những lớp khí phức tạp tạo nên khí quyển. Đây là “áo giáp” che chở và nuôi dưỡng toàn bộ sự sống mà chúng ta từng biết đến. Thế nhưng, chính con người đang bào mỏng một trong những lớp bảo vệ đó, cụ thể là tầng bình lưu.
Nằm bên dưới tầng trung lưu, tầng bình lưu trải dài từ 20 – 60 km cách mặt đất, tạo nên một lớp bao bọc quanh lớp khí quyển mà con người và mọi sinh vật đang hít thở (tầng đối lưu). Nó chứa tầng ozone vô cùng quan trọng, lá chắn hấp thụ đến 99% các bức xạ cực tím độc hại từ Mặt trời.
Nhà vật lý khí quyển Petr Pisoft của Đại học Charles (CH Czech) và đồng sự đã sử dụng dữ liệu quan sát vệ tinh từ thập niên 1980 và kết hợp các mô hình khí hậu để rút ra kết luận quan trọng: Không phải do tầng ozone bị thu hẹp mà chính sự gia tăng của CO2 (khí thải do con người tạo ra) đã khiến tầng bình lưu co lại.
“Đây là phát hiện gây sốc”, báo The Guardian dẫn lời một thành viên của đội nghiên cứu là nhà vật lý học Damian Carrington chia sẻ. Theo ông, đây là bằng chứng cho thấy con người đang làm đảo lộn các lớp khí quyển từ mặt đất lên đến độ cao 60 km.
Theo báo cáo trên chuyên san Environmental Research Letters, các nhà nghiên cứu cảnh báo, trong vòng 6 thập niên tới, tầng bình lưu sẽ tiếp tục bị co rút thêm 1.300 m nếu chúng ta không kịp thời cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo TNO