Còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá vào cuối năm

Cập nhật: 23-10-2022 | 07:07:06

Các yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá dịch vụ khám-chữa bệnh theo yêu cầu, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc cũng thường tăng vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm.

Theo dự báo của Bộ Tài chính, trong những tháng cuối năm 2022 sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, tuy nhiên CPI bình quân của năm chỉ tăng khoảng 3,27-3,51%.

Người dân mua sắm tại Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị GO! Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Bộ Tài chính cho rằng, các yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh, liên kết; giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm; giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Bên cạnh đó, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng; đồng đôla Mỹ tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước.

Ngoài ra, việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu, nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn sẽ có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Theo Bộ Tài chính đó là các yếu tố như nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, đây là mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, hiện nước ta vẫn chủ động được trong sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý dự kiến giữ ổn định đến hết năm 2022: giá điện bình quân, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công của Bộ Y tế; giá dịch vụ giáo dục dự kiến ổn định tại tất cả cấp học theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó các chính sách về miễn, giảm thuế, gia hạn thuế sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, lạm phát là một trong các chỉ tiêu thách thức nhất của năm 2022. Tuy nhiên, qua 9 tháng cho thấy, khả năng lạm phát vẫn được kiểm soát dưới 4%, trong khi các nước trong khu vực lạm phát tương đối cao. Ví dụ Lào lạm phát trên 30%, Myanmar trên 20%, Philippines gần 7%...

Theo ước tính của Bộ Tài chính, trong 3 tháng còn lại của năm 2022, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,85% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 khoảng 4%.

Mua bán xăng dầu tại một của hàng ở Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của quản lý, điều hành giá trong năm 2022, Bộ Tài chính đã đặt ra 2 kịch bản điều hành giá.

Ở kịch bản thứ nhất, giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, giá gas tăng thêm 5%, giá thịt lợn tăng thêm 10%, giá gạo tăng thêm 5%, giá vật liệu xây dựng tăng thêm 10%.

Song song với đó, ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,05%. Như vậy, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,27%, CPI tháng 12 năm 2022 so với tháng 12 năm 2021 tăng 5,48%.

Kịch bản thứ hai sẽ giả định như kịch bản 1, thêm các yếu tố giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 45% so với năm 2021, giá các nguyên nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm tăng cao hơn 5% so với kịch bản 1; ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,1%.

Dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,51%, CPI tháng 12 năm 2022 so với tháng 12 năm 2021 tăng 6,84%.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2%-3,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4 ± 0,2%.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 có nhiều dư địa để kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 4%, tuy nhiên lạm phát lũy kế CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 dự kiến sẽ ở mức cao, từ đó tạo áp lực cho lạm phát bình quân năm 2023 ngay từ đầu năm sau.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn phân tích năm 2023 có nhiều yếu tố khó đoán, giá xăng dầu thất thường. Giá dịch vụ y tế năm 2021, 2022 giữ lại chưa tăng. Giá điện đang giữ ổn định nhưng cần phải xây dựng thị trường điện cạnh tranh hơn.

Theo Thứ trưởng, hiện nay đang bù giá chéo, than bù giá cho điện, thủy điện bù cho nhiệt điện, Nhà nước bù cho khu vực khác, khu vực trong nước bù cho ngoài nước.

Bên cạnh đó, còn có những áp lực như chi cho chương trình phục hồi dồn sang năm 2023, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, tăng lương, các yếu tố tiền tệ lạm phát trên thế giới…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên