Trong những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn TP.Thuận An ghi nhận nhiều vụ nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội và các trang mạng điện tử với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên cơ sở đó, Công an TP.Thuận An cảnh báo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt tài sản…
Một nạn nhân đến Công an TP.Thuận An trình báo việc bị lừa trên mạng xã hội
“Bẫy” vay tiền trên mạng xã hội
Một “bẫy” lừa nở rộ trong thời gian gần đây là thủ đoạn dụ dỗ khách hàng vay tiền trên mạng. Nạn nhân thường “dính bẫy” vì tâm lý tò mò hoặc đang có nhu cầu vay tiền thật sự.
Điển hình là vào ngày 4-3, bà Nguyễn Thị Diễm T. nhận được điện thoại từ một số thuê bao lạ tự xưng là nhân viên cho vay vốn của Ngân hàng TMCP Quân đội, đồng thời giới thiệu về gói vay 100 triệu đồng. Do đang có nhu cầu vay số tiền 50 triệu đồng nên bà T. làm theo hướng dẫn truy cập vào đường link có tên “Viettin” và cung cấp thông tin cá nhân. Sau khi hoàn thành thủ tục theo hướng dẫn, người tự xưng nhân viên ngân hàng thông báo bà T. đã được duyệt và giải ngân số tiền 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đối tượng này cho biết số tài khoản ban đầu bà T. cung cấp là sai và yêu cầu bà chuyển khoản số tiền 20 triệu đồng để mở khóa tài khoản và giải ngân số tiền vay. Tin tưởng, bà T. đã chuyển 2 lần với tổng số tiền là 30 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, bà T. không còn liên lạc được với đối tượng nói trên, đến lúc này bà mới phát hiện mình bị lừa.
Tương tự, vào ngày 7-3, ông N.V.M. lên Facebook thì làm quen với một tài khoản tên One More. Tài khoản này tiếp cận và chủ động gợi ý cho ông vay tiền nếu có nhu cầu. Cả hai sau đó kết bạn Zalo để trao đổi thông tin. Ông M. được đồng ý cho vay 20 triệu đồng và được hướng dẫn tải một app về điện thoại rồi nhấp vào đường link lạ để cung cấp thông tin cá nhân. “Họ yêu cầu tôi chuyển trước 5 triệu đồng để xác nhận số tài khoản của tôi, sau đó họ sẽ chuyển lại cho tôi 25 triệu đồng. Khi tôi chuyển tiền xong thì đối tượng này nói chưa nhận được và yêu cầu tôi chuyển thêm 10 triệu đồng rồi họ sẽ chuyển cho tôi 15 triệu đồng. Sau đó tôi được hướng dẫn vào lại app của công ty. Tôi thấy ví tiền của tôi trong app của công ty hiển thị lên 20 triệu đồng, nhưng không cho tôi rút ra. Tôi liên hệ thì họ yêu cầu tôi chuyển tiếp 10 triệu đồng nữa thì mới rút 20 triệu đồng ra được”.
Để rút được tiền, ông M. lại chuyển thêm 10 triệu đồng nhưng sau đó vẫn không rút được tiền với lý do “đăng ký sai số tài khoản”. Sau đó chúng yêu cầu ông M. thanh toán “tiền nợ” nếu không sẽ đưa ông vào danh sách nợ xấu, sau này cả gia đình ông sẽ không thể vay tiền ở bất cứ ngân hàng nào. Biết mình bị lừa qua mạng xã hội, ông M. gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thuận An trình báo sự việc.
Mất tiền vì lên mạng mua vé máy bay
Vào ngày 28-1-2022, chị Tuyết (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) có đặt vé máy bay trên trang điện tử của Công ty TNHH Vé máy bay trực tuyến ABay để về quê cùng gia đình đón tết. Sau đó, nhân viên đưa số tài khoản của công ty và yêu cầu chị chuyển khoản để mua vé máy bay. Chị Tuyết chuyển khoản 10 triệu đồng, sau đó chụp hình lại và gửi về Công ty ABay để xác nhận việc chuyển khoản thành công. Tuy nhiên, phía Công ty ABay cho biết chị đã chuyển nhầm tiền cho tài khoản khác. Do trúng dịp Tết Nguyên đán, ngân hàng đã nghỉ nên chị không đến ngân hàng để hỏi về việc tài khoản mà chị chuyển nhầm.
Đến ngày 4-2, một số điện thoại lạ gọi vào máy của chị Tuyết tự xưng là nhân viên của Ngân hàng Vietcombank yêu cầu chị “đọc mã số trên thẻ ATM và mã OTP khi ngân hàng gửi về máy điện thoại thông qua tin nhắn, rồi người mà chị chuyển nhầm tiền sẽ gửi trả lại cho chị số tiền 10 triệu đồng”. Chị Tuyết làm theo hướng dẫn nhưng không nhận được tiền trả lại mà còn mất thêm 10 triệu đồng.
Theo Thiếu tá Lê Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Thuận An, đây là những chiêu lừa khá quen thuộc đã được cảnh báo nhiều trong thời gian vừa qua nhưng vẫn có nhiều người bị lừa. Một vài thủ đoạn không mới nhưng nhiều người trở thành nạn nhân vì tò mò trước những thông tin rủ rê, mời gọi vay tiền nóng hoặc đánh vào lòng tham của người dùng mạng. Ngoài ra, đối tượng xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân nên cảnh giác và hạn chế để lộ thông tin cá nhân của mình trên mạng cũng như thận trọng trước những lời nhờ vả, những yêu cầu đề nghị chuyển khoản tiền bất cứ hình thức nào.
“Báo chí và các phương tiện truyền thông đã tuyên truyền về loại tội phạm này rất nhiều, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của đối tượng xấu trên không gian mạng”, Thiếu tá Lê Tuấn Anh nói thêm.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, hiện nay một trong những thủ đoạn diễn ra khá phổ biến là đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để kết nối với danh sách bạn bè của chủ tài khoản, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Điển hình, ngày 17-3 ông Tô Văn T. (sinh năm 1980, quê Vĩnh Long, ngụ tại phường An Phú, TP.Thuận An) nhận được tin nhắn Zalo “Ledinhchung” của một người bạn nhờ chuyển số tiền 8,7 triệu đồng. Ông T. đã chuyển tiền, sau đó gọi điện thoại cho bạn xác nhận đã nhận được tiền chưa thì mới biết Zalo của bạn mình bị hack và ông T. đã bị lừa đảo. |
TÂM TRANG