An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Pháp lệnh VSATTP năm 2003 đã được thay thế bằng Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định , chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng (NTD) và xã hội... Tuy nhiên, đến nay, không ít đơn vị sản xuất vẫn còn thờ ơ với luật định.
Theo Luật ATTP, người sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm chịu sự chi phối các quy định của 3 bộ (Bộ Y tế,
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong đó, Thông tư số
19 của Bộ Y tế quy định về việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định
ATTP đã có hiệu lực được hơn 8 tháng (từ 25-12-2012). Tuy nhiên, đến nay, có
nhiều trường hợp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được
yêu cầu.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực phẩm trên thị trường
Ghi nhận tại các điểm bán bún tươi, mì sợi, sản phẩm bánh từ gạo ở chợ Búng, Lái Thiêu (TX.Thuận An), chợ Dĩ An (TX.Dĩ An), chợ Thủ Dầu Một… vẫn còn khá nhiều sản phẩm khô được đóng gói không xuất xứ, nhãn mác và không có giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng. Khi chúng tôi hỏi về tình trạng bún nhiễm chất cấm, một tiểu thương quầy bún tại đường Nguyễn Thái Học (chợ Thủ Dầu Một) cho hay, sản phẩm đang bán đã được lấy mẫu thử nghiệm, nếu bún không đạt chất lượng thì không được bày bán ở đây. Nhưng khi chúng tôi tiếp tục hỏi bún đang bán có được cơ quan chức năng chứng nhận công bố phù hợp quy định ATTP, người bán chỉ cười trừ. Đến một số siêu thị như Co.opMart, Big C, Metro… bún tươi được đóng gói sẵn nhưng tất cả đều không có công bố chất lượng sản phẩm… Theo Trưởng bộ phận bảo đảm chất lượng hệ thống Metro Casch & Carry Lê Thị Hạnh, hiện sản phẩm bún tươi đang bày bán tại Metro đều được nhà cung cấp đáp ứng đủ các điều kiện về ATVSTP theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng sở dĩ có tình trạng sản phẩm chưa dán nhãn công bố chất lượng (theo Thông tư 19) là do quy định còn quá mới! Hiện đơn vị cung cấp bún tươi đang hoàn thiện thủ tục công bố chất lượng cho sản phẩm này.
Hiện nay Luật ATTP quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và NTD có quyền biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi ích cũng như tác hại của sản phẩm đó như thế nào. Do vậy, việc tuân thủ những quy định mới là cần thiết. Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý ATVSTP Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, thực phẩm đang bày bán trên thị trường khá đa dạng và phức tạp, từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm đã qua chế biến đều chịu sự tác động bởi rất nhiều yếu tố về môi trường, nếu không được bao gói rất dễ bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm đúng hàm lượng trong danh mục cho phép của Bộ Y tế bảo đảm an toàn cho sức khỏe. NTD trong nước cần bỏ đi định kiến sản phẩm có phụ gia là không tốt cho sức khỏe. Cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ hiểu biết và sử dụng đúng phụ gia để cải thiện chất lượng, tránh việc sử dụng hóa chất bừa bãi như hiện nay. Luật ATTP 2010 và Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30-8-2006 về nhãn hàng hóa quy định ngay cả sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ cũng phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP.
Câu chuyện bún có sử dụng chất tẩy trắng huỳnh quang (Tinopal) đã tạm lắng dịu, tuy không phải phải toàn bộ các cơ sở sản xuất bún đều sử dụng độc tố này, nhưng thông tin bún có độc đã ảnh hưởng toàn bộ thị trường, hiện sức mua vẫn chậm. Một số siêu thị cho biết, hiện nay lượng tiêu thụ thực phẩm dạng sợi vẫn ở mức thấp. Phó Giám đốc Siêu thị Vinatex Dĩ An Hồ Thị Đan Trinh cho hay, dù chưa sụt giảm nhiều nhưng xu hướng NTD cũng đang sử dụng ít hơn các sản phẩm bún ăn liền, hủ tiếu, phở khô… Đây cũng là điều dễ hiểu khi người người dân cảnh giác với những sản phẩm liên quan. Chủ cơ sở sản xuất bún tươi Ba Hòa, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh than thở, từ mỗi ngày sản xuất cả tấn bún, bán và bỏ mối cho các trường học ở địa bàn Dĩ An, khu vực Linh Trung (Thủ Đức) nhưng cả tháng nay, cơ sở sản xuất của bà chỉ sản xuất 500 - 600 kg. “Tôi rất mong cơ quan chức năng tiếp tục thanh kiểm tra, giám sát và làm rõ đâu là bún sạch, đâu là bún bẩn để trả lại quyền lợi cho NTD, người làm ăn chân chính”, bà Anh kiến nghị.
Bình Dương hiện có 54 cơ sở sản xuất thực phẩm dạng sợi, trong đó chủ yếu là cơ sở sản xuất bún tươi. Hạ tuần tháng 7 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã kiểm tra 8 cơ sở sản xuất bún tươi, lấy 10 mẫu xét nghiệm. Kết quả, có 5 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh, 2 cơ sở vi phạm về chất lượng. Trong đó, có 1 cơ sở có chất Natri Benzoat, sử dụng vượt mức cho phép 1,7 lần, cơ sở thứ 2 có sự hiện diện của chất cấm Tinopal trong bún. Chi cục VSATTP tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Sở Công Thương để xử lý theo quy định của pháp luật.
TRÚC HUỲNH