Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.
Ngày 20/10 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố tốp 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm-đồ uống năm 2021.
Tốp 10 gồm Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty TNHH Fieslandcampina Việt Nam, Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế, Công ty TNHH Thực phẩm Đông lạnh Kido, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty cổ phần Sữa Vitadairy Việt Nam, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutricare và Công ty cổ phần Sữa Ba Vì.
Tốp 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm-đồ uống năm 2021 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan; đồng thời, được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan: người tiêu dùng, chuyên gia... được thực hiện trong tháng 8/2021.
Theo đại diện Vietnam Report, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, các chỉ số kinh tế vĩ mô duy trì lạc quan và ổn định. Tuy nhiên, tình hình trở nên xấu hơn khi bước sang quý 3 năm nay.
Diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn với biến thể Delta và Chính phủ buộc phải đưa ra những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn theo phương châm "chống dịch như chống giặc."
Chính vì thế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố GDP quý đến nay.
Là một trong những ngành kinh tế quan trọng, thực phẩm-đồ uống cũng chịu những tác động không nhỏ. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2021 cho thấy bức tranh kinh tế ngành thực phẩm-đồ uống đã "nhuốm màu" COVID-19.
Giai đoạn trước năm 2020, thị trường thực phẩm-đồ uống Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá là đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) là 4,98%. Quy mô thị trường dự kiến đạt 678 triệu USD với lượng người dùng dự kiến sẽ đạt 17,1 triệu vào năm 2025.
Đứng trước đại dịch COVID-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã và đang đối mặt với bài toán sống còn.
Năm 2020, có gần 48% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng không chịu tác động của đại dịch hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể.
Tuy nhiên, tác động kéo dài của đại dịch đến doanh nghiệp trong ngành trở nên rõ nét hơn sau đợt bùng phát vào tháng 4 và trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 7 năm nay với tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ở mức nghiêm trọng đã lên tới hơn 91%. Điều này cho thấy sức chống chọi của doanh nghiệp đã có dấu hiệu đuối dần.
Khảo sát cũng phản ánh những khó khăn lớn nhất mà ngành thực phẩm-đồ uống đang phải đối mặt. Đáng chú ý nhất là vấn đề liên quan đến logistics và phân phối, khi một số vùng kinh tế trọng điểm buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là sự đứt gãy nguồn lao động, nguyên vật liệu và chuỗi cung ứng...
Một số biện pháp như mô hình "3 tại chỗ," "1 cung đường, 2 điểm đến" hay cơ chế "luồng xanh" cũng tỏ ra chưa phù hợp với tất cả các địa phương do đặc điểm mỗi địa phương khác nhau, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa.
Khó khăn về logistics cũng là nguyên nhân khiến cho dự báo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm nửa cuối năm giảm khoảng 30%. Cụ thể là thời gian và chi phí lưu kho tăng, dễ dẫn đến tình trạng "quá date" trước khi đến tay người tiêu dùng do các mặt hàng này đều có thời gian sử dụng ngắn.
Các chuyên gia đánh giá COVID-19 đang "ăn mòn" ngành thực phẩm và nông nghiệp. So với năm trước, một số thách thức mới nảy sinh cùng với tác động lâu dài và nghiêm trọng của đại dịch đối với nền kinh tế. Đó là, làn sóng lây nhiễm và bùng phát dịch COVID-19; tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một số thách thức khác đến từ bên trong doanh nghiệp mà trên 35% số doanh nghiệp thực phẩm-đồ uống vấp phải trong quá trình thích ứng với những tác động của dịch bệnh.
Cụ thể như việc đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc; khả năng nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu chi phí để đáp ứng nhu cầu; mức giảm quy mô nhân sự/năng suất; khả năng quản lý hiệu quả các mô hình làm việc từ xa và tại chỗ kết hợp.
Nhiều đại diện một số doanh nghiệp trong ngành thực phẩm-đồ uống còn cho biết, do đặc thù ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, chi phí xét nghiệm cho lao động sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp nếu không có được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Bên cạnh những khó khăn trên, khoảng 17% số doanh nghiệp thực phẩm-đồ uống cho biết đang gặp thách thức về tính thanh khoản. Ngay cả khi có lượng dự trữ tiền mặt lớn, các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng sẽ gặp khó khăn nếu tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, đánh giá triển vọng ngành thực phẩm-đồ uống trong những tháng cuối năm 2021, theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report, phần lớn doanh nghiệp tỏ ra thận trọng hơn so với thời điểm cách đây một năm. 78% số doanh nghiệp cho rằng nửa cuối năm kinh doanh sẽ khó khăn hơn, tăng gấp đôi mức 37% của năm trước. Dẫu vậy, có đến 80% doanh nghiệp trong ngành tỏ ra tin tưởng vào sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam sau đại dịch.
Ông Vinh viện dẫn báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay khoảng 3,8%.
Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trong bối cảnh toàn thể bộ máy chính trị và xã hội nước ta vừa gồng mình chống dịch vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế. Theo đó, các đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo đà cho phục hồi kinh tế vào quý 4 năm 2021.
Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, với ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.
Do vậy, thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực phẩm-đồ uống cũng được dự báo khá tích cực với 47% số doanh nghiệp ước tính mất khoảng 6 tháng, 33% số doanh nghiệp mất khoảng 7-12 tháng và 13% mất nhiều hơn 12 tháng.
Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" mới được ban hành được coi như một "cú hích" giúp địa phương và doanh nghiệp giải quyết nút thắt về logistics và lao động, từ đó thúc đẩy tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cũng nhờ sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân sẽ tác động không nhỏ đến việc định hình thị trường thực phẩm-đồ uống giai đoạn "sống chung an toàn với COVID-19."
Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy đại dịch đã dịch chuyển các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu; trong đó, thực phẩm nhập khẩu và phần lớn nhóm đồ uống ghi nhận mức giảm trong chi tiêu hàng tháng.
Một số nhóm sản phẩm có mức tiêu thụ tăng trong ngắn hạn nhưng sẽ giảm khi có miễn dịch cộng đồng bao gồm: thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tiện lợi, đóng gói...
Những thay đổi trong chi tiêu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã trở nên thận trọng hơn giữa bối cảnh đại dịch, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng từ bên ngoài sang tại nhà. Có tới 75% số người tham gia khảo sát của Vietnam Report đã tăng chi tiêu cho thực phẩm tự chế biến tại nhà kể từ khi COVID-19 bùng phát, 46% trong số đó dự kiến tiếp tục duy trì thói quen này khi có miễn dịch cộng đồng./.
Theo TTXVN