Công dân được quyền giám sát về an sinh xã hội

Cập nhật: 17-06-2011 | 00:00:00

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, về “Quy định việc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội” (ASXH). Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-7-2011.

Đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định về công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; ưu đãi đối với người có công; vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cơ sở bảo trợ xã hội; các chương trình xã hội (gọi chung là quy định pháp luật về ASXH). 

Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, cho phép người dân được trực tiếp giám sát và được quyền công khai tìm hiểu việc phân phát hỗ trợ có công bằng hay không

Quyết định áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước; cá nhân, hộ gia đình, tập thể được thụ hưởng từ quy định pháp luật về ASXH; cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hoạt động ASXH và cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về ASXH hoạt động trong lĩnh vực ASXH.

Công khai như thế nào?

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm công khai tùy theo nội dung, đối tượng, mục đích công khai và điều kiện thực tế mà lựa chọn trong số các hình thức công khai, như: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; Phát hành ấn phẩm; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có); Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải công khai những nội dung: Quy định pháp luật ASXH; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật; Điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng; Hồ sơ, quy trình, phương pháp lựa chọn đối tượng thụ hưởng, thời hạn thực hiện; Danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng từ quy định pháp luật; Báo cáo kết quả thực hiện quy định pháp luật về ASXH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày báo cáo quyết toán được phê duyệt.

Thời gian công khai, minh bạch ít nhất là 5 ngày kể từ ngày thực hiện.

Ai sẽ kiểm tra chuyện minh bạch?

Theo Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg, chủ thể kiểm tra, gồm: Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình trong việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quy định pháp luật về ASXH có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức; Cơ quan, tổ chức thực hiện việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra bảo đảm việc thực hiện đúng mục đích, đối tượng được thụ hưởng.

Ai được quyền giám sát?

Các cơ quan quản lý Nhà nước về ASXH giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH theo các văn bản pháp luật có liên quan. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Công dân, cá nhân, tổ chức trực tiếp giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH hoặc giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân.

Người có trách nhiệm giám sát có quyền tìm hiểu các nội dung: Việc thực hiện công khai, minh bạch quy định pháp luật về ASXH; Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về ASXH; Danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng từ quy định pháp luật về ASXH; Việc áp dụng quy định pháp luật về ASXH với từng đối tượng cụ thể; Tiến độ và tính kịp thời của việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về ASXH; Kết quả thực hiện quy định pháp luật về ASXH; Hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH.

Giám sát bằng cách nào?

Việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban Thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội thông qua các hoạt động: Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét, theo dõi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về ASXH; Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH; Kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban Thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội và giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.

Giám sát của cơ quan truyền thông, báo chí và công dân thông qua các hoạt động: Tham gia các cuộc họp bàn về việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH trên địa bàn (khi được mời); Thu thập thông tin liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH từ các ban, ngành chức năng ở địa phương; qua hoạt động của HĐND, UBND các cấp; qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm có liên quan.

Xử lý sau giám sát

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát là phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát theo quy định cho các chủ thể giám sát; Có trách nhiệm giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát.

Căn cứ kết quả giám sát, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban Thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội, công dân, cá nhân, các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị đó hoặc chuyển cơ quan thanh tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

MINH CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên