Công đoàn (CĐ) ngành dệt may tỉnh hiện có hơn 45.000 công nhân lao động (CNLĐ), trong đó lao động nữ chiếm trên 75% tổng số lao động toàn ngành. So với các ngành nghề khác thì công nhân ngành may gặp nhiều khó khăn hơn. Chính vì vậy, thời gian qua, CĐ ngành dệt may tỉnh đã quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, giải quyết những khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nữ.
Công đoàn ngành dệt may tỉnh tổ chức hội thi cắm hoa cho lao động nữ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10)
Bà Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch CĐ ngành dệt may tỉnh, cho biết: “Thấu hiểu những khó khăn của lao động nữ nên CĐ ngành dệt may đã yêu cầu các công đoàn cơ sở (CĐCS) quan tâm sát sao đến việc động viên, chăm lo đời sống cho lao động nữ để họ yên tâm công tác. Ban nữ công các CĐCS thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên CĐ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của lao động nữ về các vấn đề chế độ, chính sách dành cho lao động nữ trong việc nghỉ chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mức lương, thưởng khi làm thêm giờ…”.
Thời gian qua, công tác nữ công luôn được CĐ ngành dệt may tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ. Cụ thể, CĐ ngành đã phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. CĐ ngành đã chỉ đạo các CĐCS phối hợp với doanh nghiệp tổ chức khám bệnh định kỳ cho hơn 24.000 CNLĐ, khám phụ khoa cho chị em phụ nữ nhằm phát hiện sớm các bệnh hiểm nghèo để kịp thời điều trị. Ban nữ công các CĐCS đã làm tốt công tác tham mưu cùng tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho lao động nữ tại các doanh nghiệp. Ban nữ công các CĐCS còn phối hợp với tổ chức CĐ và công ty thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ những lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, nuôi con nhỏ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng; giúp đỡ CNLĐ bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động với số tiền hơn 270 triệu đồng…
Khó khăn của lao động nữ là gánh nặng chi tiêu trong gia đình và con cái. Thấu hiểu được nỗi niềm đó, CĐ ngành dệt may đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp để tạo điều kiện, đặc biệt là lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống. Điển hình như phối hợp xây dựng nhà trẻ, hỗ trợ cho lao động nữ có con nhỏ…
Mặt khác, CĐ ngành dệt may còn thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho lao động nữ như hội thi ẩm thực, cắm hoa vào các ngày lễ, tết; tổ chức tết thiếu nhi, trung thu và tặng học bổng cho con em CNLĐ có thành tích xuất sắc trong năm học; tổ chức các gian hàng phúc lợi cho CNLĐ mua sắm giá ưu đãi với các mặt hàng thiết yếu như nhu yếu phảm, đồ gia dụng… giá thấp hơn giá thị trường từ 10 - 40% tùy từng mặt hàng.
“Thời gian tới, Ban nữ công CĐ ngành dệt may tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các CĐCS trực thuộc xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ; đa dạng hóa và đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho lao động nữ. Việc quan tâm, chăm lo của các cấp CĐ sẽ góp phần khích lệ, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp CNLĐ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Bé cho biết thêm.
HỒNG PHƯƠNG