Cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân đã và đang khẳng định được vai trò là đại diện cho lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường

Thứ tư, ngày 12/10/2016

(BDO) 20 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã thu hút mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội. Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13- 10), phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vai trò, vị trí, những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân trên địa bàn tỉnh trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.

Ông đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Vai trò của các doanh nghiệp - doanh nhân đối với những đóng góp trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương những năm qua ra sao, thưa ông?

- Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và gần 20 năm tái lập tỉnh, nhờ biết kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương luôn đoàn kết, năng động và sáng tạo, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp - dịch vụ và đô thị, tạo điều kiện cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Do đó, sau 20 năm nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Có thể khẳng định rằng, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân đã luôn năng động, sáng tạo, đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng trong mục tiêu phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh; tham gia giải quyết việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách và có nhiều hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng. Song song đó, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân tỉnh nhà luôn tự đổi mới, chủ động liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời ứng biến linh hoạt nhằm thích ứng xu thế mở cửa và hội nhập của nền kinh tế thị trường, giảm thiểu nguy cơ tụt hậu và bị đào thải.

Chỉ tính trong 9 tháng qua, với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, cùng với sự đổi mới, điều hành nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá. Một số chỉ tiêu cốt lõi đều phát triển và tăng khá so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,92%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 22,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 16 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2015. Thu hút đầu tư trong nước đạt 14.784 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1 tỷ 624 triệu USD; đến nay toàn tỉnh có 2.789 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 25 tỷ 274 triệu USD.

Thực tiễn đã chứng minh, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định được vai trò là đại diện cho lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường, trở thành một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, mang lại sự thịnh vượng cho xã hội, góp phần quan trọng trong việc mang lại những nguồn lợi kinh tế lớn cho quốc gia, dân tộc và đưa những sản phẩm của người Việt Nam đến với bạn bè các châu lục trên thế giới. Những kết quả đạt được của cộng đồng doanh nghiệp-doanh nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là rất đáng trân trọng, đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Hoạt động sản xuất da giày tại Công ty Cổ phần Đầu tư Giày Thái Bình (TX.Dĩ An). Ảnh: P.AN

 

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ với doanh nghiệp, nhà đầu tư những định hướng quan trọng của tỉnh Bình Dương trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong thời gian tới?

- Trong những năm qua, Bình Dương là một địa phương năng động, luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể với những định hướng quan trọng nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm phát triển cộng đồng doanh nghiệp với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Một là, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tập trung vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương một cách phù hợp; xây dựng những mô hình mới làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Cùng với đó, tăng cường cải cách hành chính; ưu tiên đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội trọng yếu của tỉnh một cách đồng bộ nhằm tạo động lực thu hút đầu tư và ổn định sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Hai là, bảo đảm sự phối hợp, thống nhất và hài hòa trong hoạt động của các ngành, các cấp, các đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết trong công tác triển khai thực hiện tốt các chương trình đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ. Song song đó, tỉnh sẽ tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề còn nhiều bất cập trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, công nhân và người lao động trên địa bàn.

Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự phát triển toàn diện, bền vững cho cộng đồng.

Cuối cùng là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững; bảo đảm cho từng doanh nghiệp - doanh nhân trở thành những chiến sĩ xung kích, tiên phong trên mặt trận thương mại; sản xuất, kinh doanh và cung cấp các dịch vụ tiện ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành hệ thống; có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc và trách nhiệm với xã hội.

- Thưa ông, năm 2016 và các năm tiếp theo, trong công cuộc phát triển và tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cũng như trong mục tiêu phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bình Dương mong muốn điều gì đối với cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân?

- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương luôn ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp và doanh nhân tiếp tục duy trì và phát huy vai trò của mình; luôn nỗ lực cống hiến cho công cuộc phát triển và hội nhập đất nước; giữ gìn giá trị văn hóa của doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển văn hóa doanh nhân Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục thể hiện trách nhiệm và đồng hành với doanh nghiệp; luôn quan tâm theo dõi và giải quyết kịp thời những vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và triển khai dự án đầu tư. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành, trách nhiệm của các doanh nghiệp và doanh nhân trong tỉnh để có những giải pháp phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn và hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)