Cống hiến sức trẻ cho quê nhà...

Cập nhật: 16-01-2010 | 00:00:00

Quyền và Đại đang chuẩn bị băng rôn, cờ cho giải bóng đá mừng xuân của xã

Mặc dù đã có việc làm ổn định sau ngày tốt nghiệp, nhưng cả Phạm Văn Đại và Trần Thị Bích Quyền đều có chung suy nghĩ: “Trở về xã nhà công tác. Mình là con em của xã, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu tiềm năng, thì tại sao mình không nỗ lực phục vụ cho địa phương?”. Bằng những kiến thức được học từ mái trường, những đợt trải nghiệm thực tế gần xa, họ đã nhanh chóng đưa phong trào Đoàn của xã Bình Thắng, Dĩ An phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Tuổi đời của Đại và Quyền đều còn rất trẻ, nhưng trông họ rất chững chạc, bản lĩnh. Cả hai đều rất vui tính, năng động; có cách ăn nói dí dỏm nhưng khá thuyết phục.

Nỗ lực... trang bị kiến thức

Từ năm học lớp 10, Đại đã là đoàn viên xuất sắc của trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ngoài việc nỗ lực học tập, Đại tham gia rất nhiều hoạt động ở Đội công tác xã hội của trường như: tổ chức sinh hoạt hè cho các em nhỏ, tham gia dạy hè, làm vệ sinh phố phường... Từ những kỹ năng ban đầu ấy, ngày bước chân vào giảng đường Đại học Nông Lâm TP.HCM (khoa Công nghệ sinh học), Đại nhanh chóng trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khoa. Ở Đội công tác xã hội của trường Đại học Nông Lâm, Đại là một trong những “cánh chim” đầu đàn trong các hoạt động của trường, lớp. Hàng năm, Đại cùng một số thành viên trong đội đứng ra tổ chức quyên góp sinh viên trong trường một nguồn quỹ khá lớn, hàng chục triệu đồng. Số tiền ấy, dùng để tổ chức đêm ca nhạc mừng xuân ở trường; số còn lại dùng vào việc tổ chức văn nghệ cho các tỉnh nghèo ở miền Tây mỗi năm một lần. Những lần đi xa như thế, Đại và các bạn tự bỏ tiền túi tàu xe, tự làm MC, ca sĩ; tiền quỹ của đội chủ yếu để trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Đó là chưa kể những hoạt động khác mà Đại luôn tích cực tham gia như tổ chức sinh hoạt hè, dạy hè, đón tân sinh viên, thăm hỏi, trợ giúp gia đình các mẹ Việt Nam anh hùng ở Thủ Đức, Dĩ An hàng năm.

Những tiết mục văn nghệ vui nhộn được Quyền và Đại tổ chức xuống tận từng ấp

Tài năng tiềm ẩn

Khác với Đại, Trần Thị Bích Quyền tiếp cận phong trào Đoàn khá muộn, nhưng thú vị. Quyền bật mí: “Hồi học cấp 3 em mới biết đến phong trào Đoàn, nhưng chưa hề tham gia một việc gì thật sự có ý nghĩa... Chỉ khi trở thành sinh viên trường Trung cấp Kế toán doanh nghiệp Thủ Đức, Quyền mới “bén duyên” cùng phong trào Đoàn. Ban đầu chỉ tham gia vào những tiết mục văn nghệ của trường, lớp tổ chức, dần dần Quyền trở thành nhân vật không thể thiếu trong tất cả các hoạt động Đoàn của trường. Không năm nào Quyền vắng mặt các chiến dịch mùa hè xanh ở vùng rừng núi Tây nguyên. Đi dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, làm nhà, đào ao, đắp đường... Chỉ trong thời gian ngắn đến công tác ở Công ty May Nhà Bè, Quyền nhanh chóng trở thành Bí thư Đoàn xí nghiệp ở Bình Thắng có đến 700 công nhân, trên 200 đoàn viên. Với gương mặt khá xinh, cách ăn nói duyên dáng và thuyết phục, Quyền đã đưa phong trào Đoàn ở đây phát triển mạnh về cả lượng và chất.

Số lượng đoàn viên ở xí nghiệp tăng nhanh nhờ cô thủ lĩnh trẻ luôn tạo ra nhiều hoạt động mới, lạ. Quyền tâm sự: “Do đặc thù công nhân không có nhiều thời gian, mình phải biết lồng ghép các hoạt động sao cho hợp lý, có ích. Làm được như thế thì mới không nhàm chán”. Cụ thể, Quyền đã tận dụng những cơ sở vật chất có sẵn ở xí nghiệp như hội trường khá rộng, âm nhạc, sân bãi... đã tạo ra nhiều đêm thi tài thời trang công nhân, tạo mẫu, lễ hội hóa trang. Không chỉ tạo ra sân chơi, mà thông qua đó còn phát hiện nhiều nhân tài thiết kế, làm lợi cho công ty tiền tỷ. Thông qua đài phát thanh, Quyền biên soạn lời bình nhờ họ gửi đến công nhân của mình những bài ca ý nghĩa, giúp họ không buồn ngủ khi vào ca trưa, ai cũng thấy thích thú và phấn chấn. Quyền còn thường xuyên lên mạng sưu tầm những chuyện vui, những câu chuyện pháp luật, sức khỏe gia đình rồi biên soạn lại, sau đó đọc cho công nhân nghe... đó là cách tuyên truyền kiến thức đến công nhân rất bổ ích và thiết thực.

Cùng chung chí hướng

Cũng như Quyền, sau ngày tốt nghiệp đại học năm 2008, Đại được nhận vào làm ở Công ty Thức ăn gia súc Guymarech với mức lương khá cao, đúng chuyên ngành nhưng anh đã từ chối sau vài tháng làm việc tại đây. Với mong muốn được cống hiến, cộng với sự ưu ái của chính quyền địa phương, cả Đại và Quyền nhanh chóng trở thành những cán bộ trẻ năng nổ, cống hiến hết mình. Bằng những kiến thức đã được học, trải nghiệm thực tế, Đại đã mạnh dạn đứng ra tổ chức, sắp xếp lại cách hoạt động Đoàn ở xã một cách khoa học. Như tự mình đứng ra tập hợp các bí thư chi đoàn ấp rồi tập huấn cho các bạn một số kỹ năng hoạt động Đoàn mà họ chưa biết. Liên tiếp tạo ra nhiều hoạt động bổ ích về văn hóa như sinh hoạt hè, dạy hè, quyên góp tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động văn nghệ, thể thao tại xã; tích cực mở ra nhiều cuộc tranh tài bóng đá, đánh cờ, ca hát... giữa Đoàn xã và chi đoàn các doanh nghiệp trên xã Bình Thắng, nhằm thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi. Còn Quyền chẳng khác nào cánh tray trái đắc lực của Đại, luôn đưa ra nhiều đóng góp thiết thực về cách thu hút đoàn viên, nhờ đó mà số lượng đoàn viên ở các ấp không ngừng tăng...

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong thời gian qua, Đại được bầu làm Bí thư Chi đoàn xã, Quyền giữ chức vụ Phó Bí thư. Sức trẻ cộng với kiến thức vững chắc, chắc rằng họ sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương mình.

QUANG TÁM - TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên