Công nghệ góp phần tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Cập nhật: 03-12-2022 | 18:37:33

(BDO) Ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam còn là những khái niệm mới mẻ. Tuy nhiên, trên thực tế lĩnh vực này đã và đang phát triển rất mạnh, các sản phẩm công nghiệp văn hóa từng bước mang lại những giá trị kinh tế và sẽ là một ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của quốc gia. Techfest Việt Nam 2022 là dịp để các Làng Công nghệ TechArt và TechExp cùng các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực thảo luận để hoàn thành “nhiệm vụ kép” đó là bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật.

  Các diễn giả, chuyên gia thảo luận về công nghệ blockchain có thể giúp bảo tồn nghệ thuật

Công nghệ giúp bảo tồn văn hóa

Ông Lý Đình Quân, Trưởng làng Du lịch và Ẩm thực cho rằng, công nghiệp văn hóa trong nước còn nhiều hạn chế xuất phát từ nhận thức của cộng đồng, kế đến là giải pháp công nghệ để có thể khai thác tài nguyên văn hóa. Muốn phát triển mạnh công nghiệp văn hóa phải có giải pháp để mọi người nhận thức được văn hóa chính là một tài nguyên khổng lồ, kế đến là tư duy đổi mới sáng tạo ứng dụng các công nghệ  và phương pháp khai thác có hiệu quả tài nguyên văn hóa. “Văn hóa chính là một kho báu của Việt Nam, chúng ta có nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa cho đến nhưng vấn đề khai thác liên quan phải đưa vào các sản phẩm du lịch, các điểm văn hóa chưa có tính chuyên nghiệp cao, các gói sản phẩm văn hóa về du lịch chưa tạo ra nhiều cảm xúc, những câu chuyện về du lịch Việt Nam”, ông Quân chỉ ra hạn chế của công nghiệp văn hóa hiện nay.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam  

Chúng tôi rất bất ngờ về tiềm năng, cơ sở hạ tầng, nhất là những đơn vị trong lĩnh vực công nghệ tại Becamex IDC. Bình Dương sẽ giúp chúng tôi có những định hướng tốt hơn. Bình Dương có tiềm năng rất lớn khi cạnh TP.Hồ Chí Minh và những tiềm năng sẵn có của tỉnh, nhất là kinh nghiệm trong phát triển kinh tế truyền thống để tiếp tục chuyển đổi, phát triển mạnh trên lĩnh vực công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Đồng tình với quan điểm thay đổi nhận thức về ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật, ông Trần Dinh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, hiện nay các nền tảng công nghệ Blockchain, NFT đang phục vụ tích cực để gìn giữ, phát huy các giá trị đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật. Công nghệ sẽ giúp chúng ta bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống. Giải pháp công nghệ sẽ góp phần mang đến những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có tính tương tác hơn. Bà Phạm Thị Tuyết, Giảng viên Cao cấp học viện ngân hàng, Trưởng làng Fintech dẫn chứng, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều ý tưởng phát triển du lịch online, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ thông minh nhân tạo đã được ứng dụng để khai thác mang lại giá trị kinh tế.

Ứng dụng công nghệ để phát triển

Bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật là chủ đề hội thảo thu hút nhiều người tham dự, nhất là giới trẻ, những người đang làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để nghe các  chuyên gia, diễn giả chia sẻ, thảo luận và phân tích. Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam chia sẻ, để phát triển công nghiệp văn hóa yếu tố đầu tiên đó là tính sáng tạo, thứ hai là công nghệ sản xuất và cuối cùng là phân phối. “Công nghiệp văn hóa chính là phát triển các giá trị văn hóa, làm công nghiệp văn hóa khi phân phối ra thị trường làm thay đổi bản sắc văn hóa, lịch sử, thay đổi giá trị văn hóa cốt lõi thì nền công nghiệp văn hóa sẽ không bao giờ bền vững và phát triển được. Bởi, văn hóa vùng miền mỗi địa phương đều có giá trị khác nhau, chính đặc trưng khác nhau đó là kết tinh tạo nên những giá trị cho công nghiệp văn hóa”, ông Sinh nói.

  Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển công nghệ Techfest

Tỉnh Quảng Nam đang ứng dụng Metaverse (vũ trụ ảo) đưa Hội An trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa để mọi người đều biết. Ông Sinh khẳng định, chính sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ trở thành một nhân tố để phát triển kinh tế - văn hóa xã hội quảng bá hình ảnh, con người văn hóa của Hội An và Quảng Nam.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa - nghệ thuật  không chỉ là một chiến lược về ứng dụng công nghệ mà đó là một chiếc lược số hóa tổng thể, tầm nhìn dài hạn. Đó là một câu chuyện không đòi hỏi khi nào kết thúc mà chúng phải bắt đầu như thế nào bằng một nguồn kinh phí làm sao có hiệu quả nhất. “Tôi cho rằng, chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số là một chiến lược tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tập trung vào những vấn đề trọng điểm, đem lại những hiệu quả kinh tế và tăng giá trị thì bài toán dài hạn chúng ta sẽ rất tốn kém…”, ông Trung phân tích.

Ông Lý Đình Quân, Trưởng làng Du lịch và Ẩm thực

Công nghệ 4.0 hiện nay cho chúng ta quá nhiều phương tiện để bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa như: Blockchain, BigData, Metaverse để khai thác “kho báu” văn hóa một cách đồng bộ. Chúng ta đang đứng trước một thị trường lớn, cần thay đổi nhận thức và sử dụng công nghệ để khai thác tốt các giá trị, tài nguyên văn hóa.

Minh Duy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=633
Quay lên trên