Công nghệ mới nối kết tăng trưởng xanh

Cập nhật: 05-12-2022 | 11:28:14

(BDO) Với mong muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển bền vững, Làng Năng lượng xanh đã đề ra các mục tiêu thúc đẩy các giải pháp ĐMST trong khai thác năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải CO2 và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hiệu quả. Công nghệ mới được chuyển giao chính là tạo ra sự nối kết hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. 

Nâng cao hiệu quả năng lượng

Tại Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia - Techfest Vietnam năm 2022, bà TitaThy Nguyễn, Trưởng đại diện Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam, Trưởng làng Năng lượng xanh, cho biết theo thống kê, Việt Nam phát thải 272,7 triệu tấn CO2 trong tổng lượng phát thải của châu Á là 17.734 triệu tấn và 33.884 triệu tấn trên toàn cầu. Với với mục tiêu Net Zero vào năm 2050, trung bình mỗi năm Việt Nam cần phải giảm khoảng 30 triệu tấn CO2 mới đạt được như đã cam kết. 

“Những tín hiệu tích cực cho thấy, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đang đứng thứ tư trên thế giới. Khi nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Cacbon thì cần phải có các giải pháp tổng thể và đạt hiệu quả cao”, bà  TitaThy Nguyễn nói.


Bà TitaThy Nguyễn giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu về các giải pháp công nghệ mới hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững

Cũng theo bà TitaThy Nguyễn, đồng lòng với quyết tâm của Chính phủ, thời gian qua Làng Năng lượng xanh với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong khai thác năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải CO2 và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hiệu quả trong các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, công nghiệp đã tìm kiếm, chuyển giao công nghệ mới hướng tới tăng trưởng xanh. “Chúng tôi đang tạo ra sân chơi trao đổi về công nghệ cho các đơn vị liên quan để phát triển kinh tế xanh, tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức về quản lý năng lượng trong nền kinh tế thế giới”, bà TitaThy Nguyễn chia sẻ.

Tham dự và phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia - Techfest Vietnam năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam. Thủ tướng mong muốn thông qua Techfest Vietnam năm 2022, các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và đại diện các bộ, ngành, địa phương nhận được nhiều kinh nghiệm quý và bài học hay để hỗ trợ tốt nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Giải pháp công nghệ giảm phát thải từ năng lượng hóa thạch

Làng Năng lượng xanh đã và đang tìm kiếm, phát triển các giải pháp hướng tới những công nghệ mới nhất nhằm thay thế phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng sạch, cũng như phát triển các công nghệ điều khiển nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng của thiết bị đã có. Cụ thể, Làng Năng lượng xanh sẽ tập trung vào xe buýt điện, giải pháp phát triển đường sắt chạy điện đô thị và đường dài, phát triển hạ tầng trạm sạc cho ô tô điện. 

Ở lĩnh vực nông nghiệp, theo bà TitaThy Nguyễn, đây chính là lĩnh vực có phát thải cao và quá trình chế biến nếu không có sự tham gia của công nghệ phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, Làng Năng lượng xanh hướng tới phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp bền vững, đồng thời xây dựng giải pháp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản tận dụng, khai thác phụ phẩm nhằm giảm chất thải và thu hồi năng lượng. Trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung xây dựng các giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả năng lượng, chuyển đổi doanh nghiệp sang kinh tế tuần hoàn. Trong đó, giải pháp quản lý máy phát điện cho phép quản lý số lượng hàng ngàn máy phát điện hoạt động tự động, tin cậy và hiệu quả. Ngoài ra, quản lý năng lượng nhà máy nhằm đạt được hệ số đàn hồi điện mức độ thế giới...

Về năng lượng tái tạo, đây là thế mạnh sẵn có của Việt Nam, cụ thể như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, biogas. Do vậy, Việt Nam tiếp tục tận dụng và phát huy tiềm năng này.

Tại Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia - Techfest Vietnam năm 2022, Làng Năng lượng xanh cũng đã trưng bày một số kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý và sử dụng hiệu quả năng lượng, cụ thể như giải pháp giám sát máy phát điện của các công ty thành viên trong làng, giải pháp ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI… 

Các giải pháp nói trên đã được triển khai mang lại hiệu quả cao về tiết kiệm nhân lực, nâng cao độ tin cậy và hiệu quả quản lý hệ thống viễn thông. Đối với máy phát điện biogas hòa lưới với thiết bị điều khiển cho phép khai thác hiệu quả nguồn khí trong nông nghiệp, giảm thiểu tác động cho môi trường; các thiết bị lắp đặt trên đầu máy xe lửa nâng cao hiệu quả làm việc của phương tiện, góp phần giảm thiểu phát thải.

Tham quan gian hàng của Làng Năng lượng xanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong năm tới sẽ triển khai hiệu quả các mô hình giáo dục - đào tạo thay đổi nhận thức và trong sản xuất, triển khai các giải pháp quản lý và sử dụng năng lượng xanh làm điển hình phát triển trong nước và quốc tế. 

Đặc biệt, sự kiện Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 sẽ diễn ra vào tháng 12-2023 tại Rotterdam (Hà Lan) thu hút trên 7.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia và hơn 18.000 khách tham quan. Bà TitaThy Nguyễn cho rằng đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối giao thương cung cầu, tiếp cận nguồn vốn quốc tế và công nghệ mới nhất, nhanh nhất. “Chúng tôi sẵn sàng tăng tốc, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy quá trình phát triển chuyển đổi năng lượng. Đây chính là nguồn động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam cất cánh vươn ra thế giới, khẳng định vị thế của mình”, bà TitaThy Nguyễn nói.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=367
Quay lên trên