Công nghệ thông tin Bình Dương: Từ chính quyền điện tử đến thành phố thông minh

Cập nhật: 01-12-2017 | 11:57:31

Thời gian qua cùng với việc đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. UBND tỉnh đã đề ra Kế hoạch về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 3206 về xây dựng Đề án thành phố thông minh, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Để thực hiện tốt các kế hoạch này, Ban chỉ đạo Chương trình ứng dụng CNTT tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Ban chỉ đạo CNTT) đã tích cực thực hiện các chương trình đầu tư hạ tầng cơ sở và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh theo định hướng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển dần thành tầm nhìn về thành phố thông minh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CNTT, đến nay, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản, quy định, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Trên nền tảng đó, tỉnh đã rất quan tâm đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật CNTT. Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã đầu tư, bổ sung hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đến cấp xã, tạo điều kiện sẵn sàng triển khai các ứng dụng CNTT liên thông từ tỉnh xuống xã. Nhờ vậy, đã duy trì việc sử dụng thư điện tử, văn bản điện tử, xúc tiến nâng cấp phần mềm quản lý văn bản đáp ứng yêu cầu liên thông 4 cấp, sử dụng chữ ký số và triển khai dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng. Để đáp ứng về nhu cầu nhân lực cho chính quyền điện tử, Ban chỉ đạo CNTT đang tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực cho các cơ quan nhà nước, xúc tiến hoạt động ươm tạo doanh nghiệp CNTT. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CNTT tỉnh đã và đang triển khai một số biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan Đảng, Nhà nước và các Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước.

Điểm nhấn nổi bật nhất của chương trình CNTT tỉnh Bình Dương là tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở cho chương trình. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư, bổ sung hạ tầng kỹ thuật đến cấp xã. Về hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng, đến nay, đường mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) đã được cấu hình với một điểm kết nối Internet trực tiếp tại Tòa nhà Trung tâm Hành chính với băng thông rộng là 300 Mb/s và kết nối từ UBND huyện về Tòa nhà có băng thông 30Mpbs, kết nối từ UBND cấp xã đạt tốc độ 4 Mb/s. Việc nâng cấp băng thông đường truyền đã đáp ứng nhu cầu ứng dựng CNTT cơ bản của các cơ quan, đơn vị trên toàn địa bàn.

Hiện hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan sở, ban, ngành cấp tỉnh đã được cấu hình, triển khai theo mô hình mạng chuẩn của Sở TT&TT; hệ thống mạng được trang bị tường lửa, coreswitch, loadbalancing.

Về hạ tầng kỹ thuật của UBND cấp huyện, cấp xã, thực hiện Dự án “Bổ sung trang thiết bị CNTT, điện tử phục vụ mô hình một cửa hiện đại tại UBND cấp huyện, cấp xã giai đoạn 1”: 9 UBND cấp huyện, thị, thành phố đã được trang bị bổ sung 10 máy chủ, 9 hệ thống lưu trữ SAN, 12 bộ máy tính để bàn, 6 hệ thống xếp hàng tự động, 6 hệ thống camera giám sát, 69 thiết bị đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ công chức. 44 UBND cấp xã đã được đầu tư: 44 Core switch, 240 bộ máy tính để bàn, 44 thiết bị load balancing, 44 máy chủ. Bên cạnh đó, UBND huyện Bàu Bàng và Dầu Tiếng cũng đã dùng kinh phí sự nghiệp để trang bị hạ tầng cho 18 UBND cấp xã trực thuộc. Đến hết năm 2017, 62/91 UBND cấp xã sẽ có hạ tầng CNTT đủ để triển khai Phần mềm quản lý văn bản liên thông 4 cấp, Phần mềm một cửa điện tử.

Các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng đang được triển khai đến nay là Dự án “Đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT cho Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh” với mục tiêu chính là tập trung và tối ưu hóa các kết nối mạng của các cơ quan trong Tòa nhà Trung tâm Hành chính; Dự án “Đầu tư cho Trung tâm CNTT và TT đổi mới hoạt động dịch vụ, tư vấn phát triển CNTT và đảm nhiệm vai trò trung tâm dữ liệu dự phòng”; Dự án “Đầu tư trang thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến giữa cấp tỉnh và cấp huyện”.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện: Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên lập dự trù kinh phí để chuẩn hóa hạ tầng mạng cho UBND các xã còn lại trong năm 2018.

Với việc đầu tư hạ tầng cơ sở hiện nay, toàn tỉnh đã duy trì việc sử dụng thư điện tử, văn bản điện, xúc tiến nâng cấp phần mềm quản lý văn bản đáp ứng yêu cầu liên thông 4 cấp và sử dụng chữ ký số. Triển khai hơn 300 dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và theo nhu cầu thực tế của các cơ quan, đơn vị.

Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND rất quan tâm đến chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, bên cạnh đó là hỗ trợ các cơ quan nhà nước quản lý được nghiệp vụ của mình đang làm. Về hạ tầng CNTT, đã được tỉnh đầu tư rất bài bản, các thiết bị được đầu tư cho các cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Và hệ thống đường TSLCD với băng thông rộng, đáp ứng chu chuyển dữ liệu giữa các cấp chính quyền với nhau. Về các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, được tỉnh quan tâm cho phép triển khai các ứng dụng thư điện tử khá mạnh, phần mềm quản lý văn bản liên thông 4 cấp từ Chính phủ đến xã... Các ứng dụng trong cơ quan nhà nước từng bước được triển khai. Các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp có Cổng Thông tin điện tử được đầu tư và có nhiều thông tin liên quan đến công tác quản lý nhà nước và phục vụ cho người dân một cách tức thời. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống một cửa cấp tỉnh, huyện, xã, nơi tiếp nhận hồ sơ của người dân và doanh nghiệp cũng được đầu tư CNTT một cách bài bản. Hiện chúng tôi đang xây dựng hệ thống một cửa điện tử để giải quyết thủ tục hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp nhanh chóng hơn!”.

Định hướng năm 2018, Theo Ban chỉ đạo CNTT, về hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục triển khai và hoàn thành các dự án hạ tầng dùng chung đã được UBND tỉnh phê duyệt, tiếp tục hướng dẫn UBND cấp huyện hoàn thiện hạ tầng CNTT cấp xã, cải tiến nâng cấp đường mạng TSLCD bảo đảm ứng dụng thông suốt từ tỉnh, xuống huyện, xuống xã, các phần mềm 1 cửa, phần mềm quản lý văn bản, hội nghị truyền hình trực tuyến, cấp phát chứng thư số cơ quan, chứng thư số cho dịch vụ, thiết bị cho các cơ quan có nhu cầu phục vụ khai báo thuế điện tử và bảo hiểm điện tử.

Nhìn chung, xu thế đổi mới công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy nhu cầu ứng dụng CNTT ngày càng đa dạng, phong phú. Riêng tại tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh như Bình Dương, đặc biệt với lộ trình triển khai Đề án Thành phố thông minh trong tương lai, càng đòi hỏi hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh ở mức cao hơn. Từ những thành tựu trong thời gian qua, với những định hướng xây dựng chính quyền điện tử chuyển dần sang tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hy vọng chương trình ứng dụng CNTT tại Bình Dương sẽ ngày càng đạt kết quả tốt hơn, góp phần phát triển chỉ số thương mại điện tử (EBI), chính quyền điện tử của tỉnh và chính phủ điện tử của cả nước.

Trong năm 2018, Ban chỉ đạo CNTT tiếp tục đẩy mạnh chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tiếp tục triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho các sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc, thống kê tỷ lệ văn bản được luân chuyển qua môi trường mạng, thực hiện liên thông văn bản 4 cấp. Triển khai hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Bình Dương tiếp cận TT&TT. Xây dựng trục tích hợp dữ liệu tỉnh Bình Dương. Lập Đề án Nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý văn bản thành cổng thông tin văn bản hành chính: triển khai tính năng ký số trên thiết bị di động, bổ sung tính năng loại bỏ văn bản trùng, hỗ trợ tính năng sử dụng mẫu trong soạn thảo văn bản. Lập đề án xây dựng Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, tập trung xây dựng các CSDL dùng chung và hạ tầng kỹ thuật ban đầu cho thành phố thông minh. Tiếp tục triển khai và hoàn thành các dự án CNTT của hệ Đảng và lực lượng vũ trang.

 

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên