Công nghiệp Bình Dương giai đoạn 2011-2015: Phát triển mạnh, bền vững theo chiều rộng lẫn chiều sâu

Cập nhật: 10-01-2012 | 00:00:00

 Phát triển nhanh

Theo đánh giá về tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2006-2010, Bình Dương có tới 10 KCN được thành lập mới, diện tích 4.306 ha, tăng 1,4 lần về số lượng và tăng 2,6 lần về diện tích so với giai đoạn 2001-2005. Có 5 cụm công nghiệp được triển khai quy hoạch và xây dựng và tính đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN với diện tích 9.231,6 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 593,5 ha.  

Sản xuất trong các ngành chủ lực hiện vẫn chủ yếu là gia công

Về số lượng DN thu hút được 6.399 dự án, trong đó đầu tư trong nước có 5.553 dự án, đầu tư nước ngoài 846 dự án với tổng vốn đầu tư tương ứng là 44.990 tỷ đồng và 7,3 tỷ đô-la Mỹ. Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 10.181 DN trong nước và 2.006 DN có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư tương ứng là 87.508 tỷ đồng và 13 tỷ 676 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19,9%, nếu như năm 2006 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 52.762 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã tăng gấp đôi, đạt 105.682,7 tỷ đồng. Trong đó, ngành công nghiệp khai thác đạt mức 23,3%, ngành công nghiệp chế biến đạt tăng trưởng 19,9%, công nghiệp sản xuất, phân phối, điện khí đốt tăng 6,5%. Các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, hóa chất, cao su, dệt may, da giày, vật liệu xây dựng và gốm sứ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Ngành cơ khí tăng trưởng bình quân 16,1%, điện, điện tử, viễn thông và tin học tăng trưởng bình quân 28,4%...

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dân doanh, từ 31,4% năm 2006 lên 34,2% vào năm 2010. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2006 chiếm tỷ trọng 65% đến năm 2010 giảm xuống còn 63,8%. Bình quân giai đoạn 2006-2010 khu vực dân doanh đạt mức tăng trưởng cao với 25%, cao hơn tăng trưởng bình quân của ngành và có đóng góp ngày càng lớn vào mức độ tăng trưởng chung của tỉnh.

Nhưng tính bền vững chưa cao

Công nghiệp phát triển nhanh trong những năm qua thể hiện rất rõ không chỉ qua những con số mà còn từ thực tế với nhiều KCN ra đời, thu hút nhiều dự án đầu tư và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế về tính bền vững và đã được đánh giá, nhận xét một cách cầu thị, khách quan trong báo cáo của Tỉnh ủy. Theo đó, có tới 7 điểm hạn chế được đưa ra đó là mục tiêu về tăng trưởng, giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu, công nghiệp phụ trợ, môi trường và nguồn nhân lực.

Về các mục tiêu tăng trưởng công nghiệp như giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm, kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng các ngành cơ khí, điện tử và các ngành công nghệ cao cơ bản đạt khá nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu. Các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất linh kiện điện tử... vẫn còn mang nặng hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao. Môi trường kinh doanh và đầu tư tuy có nhiều tiến bộ song vẫn chưa hấp dẫn những nhà đầu tư lớn có công nghệ sản xuất hiện đại. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng còn thấp hơn nhiều so với công nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu và tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Công nghiệp hỗ trợ dù đã hình thành và phát triển song nhìn chung còn non trẻ, chủ yếu là gia công, lắp ráp, còn khiêm tốn về chủng loại. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường dù đã có chuyển biến trong thời gian gần đây nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Còn nguồn nhân lực thì chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, bên cạnh thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, lành nghề thì lao động phổ thông vẫn còn chưa đáp ứng đủ.

Những giải pháp để phát triển bền vững

Trong giai đoạn 2011-2015, định hướng phát triển công nghiệp Bình Dương như sau: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN; thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao; khuyến khích hỗ trợ các DN thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị; hạn chế tối đa việc đầu tư bên ngoài các khu, cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cao; bảo đảm các khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; quy hoạch, sắp xếp lại ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã đề ra 12 giải pháp cụ thể: khai thác và phát huy tối đa về lợi thế vùng; phát triển nhanh và bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; đẩy mạnh tăng trưởng giá trị tăng thêm thông qua tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao; tập trung xúc tiến đầu tư, tiếp thị vào những tập đoàn kinh tế lớn, công nghệ cao; đầu tư xây dựng KCN kỹ thuật cao; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng; liên kết cung ứng nguồn nhân lực gắn với đào tạo; cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện bảo đảm cung ứng cho DN; khuyến khích DN thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ; các giải pháp về thị trường và tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Với những giải pháp phát triển cụ thể đó, hy vọng ngành sản xuất công nghiệp trong thời gian tới có bước phát triển vượt bậc và đúng định hướng mà Tỉnh Đảng bộ đã đề ra.

K.TÂN

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=307
Quay lên trên