Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đến nay công nghiệp huyện Dầu Tiếng đã có những bước phát triển khả quan, chiếm tỷ trọng hơn 46% cơ cấu kinh tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của địa phương.
Huyện Dầu Tiếng hiện có 447 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động ổn định, với tổng vốn đăng ký kinh doanh 1.380 tỷ đồng. Trong đó, có 64 DN sản xuất, với ngành nghề hoạt động chủ yếu là chế biến gỗ, chế biến mủ cao su, sản xuất gốm sứ mỹ nghệ, gạch tuynel...; 16 DN về xây dựng, 7 DN về giao thông vận tải, 360 DN về thương mại dịch vụ. Các DN hoạt động đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 13.000 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 68 triệu đồng/người/năm.
Trong năm 2020, huyện đã thu hút được 53 DN đầu tư với số vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng, bước đầu có những đơn vị đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản, gia cầm với dây chuyền sản xuất hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Địa phương đang tiếp tục thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tập trung, ưu các dự án nằm trong danh mục ngành nghề được khuyến khích, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Ông Đỗ Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã An Lập, cho biết: “Là một trong những địa phương được quy hoạch phát triển công nghiệp trọng điểm của huyện, An Lập thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xã hiện có 32 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 22 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương”.
Hoạt động ngày càng có hiệu quả, nhiều DN đã có đóng góp hiệu quả cho kinh tế - xã hội huyện nhà. Điển hình như Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (100% vốn đầu tư nước ngoài), chuyên sản xuất mặt hàng gỗ như giường, tủ, bàn, ghế… Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu, bảo đảm cho dây chuyền sản xuất của công ty hoạt động ổn định. Hiện bình quân mỗi tháng công ty sản xuất gần 30 container sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động. Ngoài ra, còn các DN khác cũng đang hoạt động có hiệu quả như Công ty TNHH Chế biến gỗ Diệu Hiền (thị trấn Dầu Tiếng), Công ty Cổ phần Thép Bình Dương (xã Long Hòa), Công ty Gỗ Hồng Trâm Phát (xã Định Hiệp)...
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết cùng với phát triển công nghiệp, thời gian qua huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển. Hiện trên địa bàn huyện có 22 cơ sở tiểu thủ công nghiệp hoạt động ổn định, chủ yếu là sản xuất, chế biến gỗ, chế biến mủ cao su và sản xuất hàng gốm sứ mỹ nghệ. UBND huyện Dầu Tiếng luôn nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, đô thị, bảo vệ môi trường.
HỒNG NGA