Công nghiệp khai khoáng ở Bình Dương: Vẫn còn tiềm ẩn nhiều mối lo!

Cập nhật: 30-03-2012 | 00:00:00

Bình Dương là địa bàn có công nghiệp (CN) khai khoáng phát triển mạnh. Mặc dù được đánh giá là khá an toàn, nhưng CN khai khoáng ở Bình Dương vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo, đặc biệt là vấn đề cải tạo, phục hồi môi trường “hậu” khai thác.

Thực trạng khai khoáng ở Bình Dương

Khai thác khoáng sản (KS) tại Bình Dương chủ yếu vẫn là khai thác các loại vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường như đất sét, đá, cát xây dựng, sỏi, cao lanh... Hiện trên địa bàn tỉnh có 27 doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác KS làm VLXD với  41 giấy phép được cấp còn hiệu lực. Trong đó, có 39 giấy phép do UBND tỉnh cấp, 2 giấy phép khai thác cao lanh do bộ cấp. Hoạt động khai thác KS chủ yếu là khai thác đá, tập trung tại các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng và TX.Dĩ An. Hiện toàn tỉnh có 23 mỏ đá đang khai thác, 2 điểm mỏ đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản. Diện tích được cấp phép khai thác là 526,11 ha; tổng diện tích đã khai thác đến 2011 là 241,08 ha; tổng công suất khai thác thực tế hàng năm vào khoảng trên dưới 11 triệu m3.   Nếu không được cải tạo tốt, những hầm đá như thế này sau khai thác sẽ trở thành... vùng đất chết!

Đá xây dựng Bình Dương, đặc biệt là đá Châu Thới, được đánh giá bền, đẹp và nguồn đá này đã góp phần xây dựng thành công hàng ngàn công trình trọng điểm, giúp địa phương đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hậu quả do khai thác đá để lại thì quả thật quá nặng nề! Tại những điểm khai thác đá, hầu hết đều tạo thành những hố sâu, vực thẳm, có nơi sâu đến 80m (như hầm đá của Công ty Khai thác cát đá sỏi TP.HCM). Ám ảnh nhất là hầm đá thuộc Công ty 621 (nay thuộc khu Đại học Quốc gia) được mệnh danh là “hố tử thần” vì nơi đây đã cướp đi mạng sống của hàng chục người! Hầu hết các mỏ đá có nhiệm vụ làm đẹp cho các nơi, nhưng riêng mình thì nhận lãnh phần loang lổ, cảnh quan bị phá vỡ, môi trường “hậu” khai thác bị tàn phá nặng nề!

Toàn tỉnh hiện có 18 DN sử dụng vật liệu nổ phục vụ cho hoạt động khai thác đá. Khối lượng thuốc nổ sử dụng tăng dần qua các năm. Nhờ làm tốt công tác quản lý Nhà nước về vật liệu nổ, công nghệ nổ mìn khai thác đá ở Bình Dương không ngừng được nâng cao, theo hướng giảm thiểu tác động môi trường nên không xảy ra tình trạng thất thoát vật liệu nổ hay tai nạn, sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, trong quy trình, kỹ thuật khai thác đá vẫn còn nhiều biểu hiện thiếu an toàn. Theo báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường, qua thanh kiểm tra vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm thiết kế mỏ, còn có hiện tượng đá treo (mỏ đá Núi Nhỏ, mỏ đá Tân Mỹ); các vách moong khai thác bị chập tầng, sạt tầng, vách đứng (mỏ đá Thường Tân, mỏ đá Tân Đông Hiệp). Qua kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị đã kịp thời khắc phục và không để xảy ra sự cố.

Còn nhiều DN chưa làm tròn nghĩa vụ

Thực tế hoạt động khai thác KS trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu VLXD phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương và khu vực, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Các DN trong lĩnh vực này thực hiện tương đối tốt các nghĩa vụ tài chính về thuế, phí... Theo số liệu báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh định kỳ của các DN từ năm 2007 đến giữa năm 2011, hàng năm, các DN khai khoáng đạt doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng và năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngoài ra, các DN còn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, như: Khai thác đúng diện tích được cấp phép, thuê đất để khai thác, cơ bản thực hiện theo thiết kế cơ sở và dự án đầu tư khai thác mỏ, lập báo cáo định kỳ và bản đồ hiện trạng, ký quỹ phục hồi môi trường, quan trắc môi trường định kỳ... Hầu hết các mỏ đều có giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác KS như trồng cây xung quanh mỏ, làm đường vận chuyển bằng bê tông, tưới nước chống bụi...

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay vẫn có 9 mỏ đang khai thác chưa tiến hành quan trắc giám sát môi trường định kỳ và trên 37 mỏ đang hoạt động khai thác chưa ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định. Đặc biệt đa số DN lựa chọn giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường theo cách dễ nhất như làm hàng rào, tạo thành một hồ chứa nước sạch, có đê bao xung quanh hoặc làm khu du lịch sinh thái; không DN nào chọn giải pháp san lấp trả lại hiện trạng ban đầu. Thực tế này đang phát sinh một nghịch lý: Chi phí ký quỹ, phí môi trường, cũng như phương án khôi phục môi trường sau khi đóng cửa mỏ (như lập hàng rào, trồng ít cây xanh) không tương xứng so với “siêu lợi nhuận” từ việc khai thác, kinh doanh đá. Môi trường khu vực khai thác đá vẫn phải chịu thiệt thòi!

Giải pháp nào cho môi trường sau khai thác?

Trước tình hình nói trên, Chính phủ và UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác KS, như: Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác KS gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan bằng việc ký quỹ phục hồi môi trường; thu phí bảo vệ môi trường... Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25-8-2011 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2012, thay thế các nghị định trước đó về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác KS.

Nói về tiến độ thực hiện nghị định mới này, bà Nguyễn Hồng Thúy, Phó phòng Tài nguyên Nước và Môi trường Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng dự thảo và đang tổ chức lấy ý kiến các ngành liên quan và DN khai thác KS. Theo dự thảo, mức phí môi trường chúng tôi xây dựng ở mức trung bình. Vì theo ý kiến các ngành và các DN khai khoáng, nếu nâng mức phí cao, các DN sẽ nâng giá thành và cuối cùng người tiêu dùng phải lãnh đủ”.

Hy vọng với nghị định mới ban hành, môi trường tại các mỏ “hậu” khai thác sẽ được cải tạo tốt hơn. Phí môi trường là khoản đóng góp cần thiết của DN để bù đắp lại phần nào cho sự “tàn phá” do khai thác KS gây ra!

Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25-8-2011 quy định cụ thể mức phí bảo vệ môi trường đối với đá ốp lát, đá làm sản phẩm mỹ nghệ (granit, gabro, đá hoa...) là 50.000 - 70.000 đồng/m3; đá làm VLXD thông thường là 500 - 3.000 đồng/tấn; cát vàng 3.000 - 5.000 đồng/m3... Thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác KS tận thu bằng 60% mức thu phí của các loại KS tương ứng. Số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác KS thu được, địa phương được hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cải tạo môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác KS.

Bảo Anh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên