Công nghiệp phụ trợ cũng cần tiên phong

Cập nhật: 09-02-2017 | 22:34:23

Với 28 khu công nghiệp (KCN) và hơn 23.000 doanh nghiệp (DN), Bình Dương đang là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước. Các chuyên gia đánh giá, ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) rất quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Với tỉnh Bình Dương, cũng đã và đang cố gắng phát triển mạnh CNPT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh nhà.

 Theo các chuyên gia, CNPT ngành may mặc, giày da của Bình Dương đã đáp ứng tương đối tốt nhu cầu của các DN, trong khi đó một số ngành nghề khác còn hạn chế. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương. Ảnh: HỒ VĂN

 CNPT cần phát triển đa dạng

Tại Bình Dương, CNPT ngành may ra đời và phát triển khá sớm. Công ty dây khóa kéo HKK (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) ra đời từ năm 1989 khi ngành may mặc cả nước đi những bước đầu tiên tham gia thị trường xuất khẩu. “Đừng nghĩ dây khóa kéo chỉ có giá vài ngàn, thậm chí vài trăm đồng mà nghĩ ngành phụ trợ không nhiều tiềm năng. Nếu nhân với số lượng hàng trăm ngàn, hàng triệu dây khóa kéo được sản xuất phục vụ cho các DN may mặc hàng năm thì sẽ rõ đây thật sự là một sản phẩm “hái ra tiền””, lãnh đạo công ty này chia sẻ.

Hiện ngành công nghiệp của Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ, đa lĩnh vực, từ điện tử, viễn thông, chế biến gỗ, thực phẩm đến ô tô, trang thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất… Do vậy, CNPT cần phải đa dạng theo nhu cầu sản xuất của các DN

Nghị định số 111/2015/CP-NĐ ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển CNPT, Thông tư 01/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay phát triển CNPT có hiệu lực từ ngày 22-2-2016 sẽ là đòn bẩy, điều kiện mở để DN trong ngành này tiếp cận nguồn vốn, tạo động lực phát triển.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng thiết bị ngành gỗ Tấn Lộc (TX. Thuận An) cho biết, công ty của ông chuyên nhập máy móc thiết bị về phục vụ cho các DN sản xuất gỗ của Bình Dương. Ban đầu công ty chỉ chủ yếu nhập khẩu hàng từ Nhật, sau này nhu cầu của các DN tăng cao và đa dạng nên công ty phải tăng cường nhập khẩu các loại máy móc, thậm chí lưỡi cưa từ châu Âu. Lãnh đạo một DN khác cho hay, lỗ hổng phụ trợ cho công nghiệp gỗ trong nước hiện rất lớn. DN đang phải sử dụng các sản phẩm nhập khẩu như dầu đánh bóng, véc-ni, thuốc chống mối, mọt… cho các sản phẩm gỗ khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Ngay cả ngành gốm truyền thống của Bình Dương cũng phải cần đến CNPT để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long nói, nhiều DN gốm đã phải nhập khẩu men màu từ Nhật, Đài Loan, Trung Quốc… để sản phẩm gốm ra đời đáp ứng đúng yêu cầu của các nhà nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ. Điều đáng mừng là các DN trong nước đã chế tạo thành công hệ thống lò đun gas thay cho lò củi truyền thống với giá thành thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu. Ông Tín khẳng định, CNPT có vai trò rất lớn trong việc phát triển công nghiệp của tất cả ngành hàng đối với DN tại Bình Dương.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Bình Dương đang có tham vọng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Để làm được điều này, vai trò CNPT cần phải được nâng cao, thậm chí đi tiên phong. CNPT giúp công nghiệp ngay tại tỉnh nhà phát triển hài hòa, bền vững; thậm chí sản phẩm CNPT cũng là một mặt hàng xuất khẩu mang lại lợi ích kinh tế to lớn.

Hướng đi phù hợp

CNPT tại Bình Dương hiện chủyếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ. Bên cạnh đó, tỉnh đãhình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụliệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử. Tỉnh nhà cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNPT. Cụthểnhư dự án Chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Polytex (Việt Nam) với vốn đầu tư 274,2 triệu USD vào Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng; Công ty TNHH NPC Toda đầu tư 30 triệu USD vào KCN Việt Nam - Singapore II-A để sản xuất các sản phẩm nhựa các loại với quy mô 16.889 tấn/năm…

Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Hương cho biết, CNPT cho ngành dệt may đang được các tập đoàn lớn quan tâm. Hiện đã có DN chuẩn bị đầu tư 120 triệu USD vào KCN Việt Hương 2 để khép kín quy trình sản xuất từ kéo sợi ra thành phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường của Việt Nam. Ông Chi cho rằng, sở dĩ đầu tư vào CNPT chuyển động mạnh trong thời gian gần đây là vì DN chuẩn bị đón đầu hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Đây cũng là yếu tố thuận lợi và tác động tích cực để trong thời gian tới, bên cạnh DN đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử và CNPT cho ngành dệt may, DN sẽ đầu tư mạnh vào nhiều ngành hàng khác.

Để phát triển CNPT, UBND tỉnh đã bố trí 300 ha trong KCN Bàu Bàng nhằm thu hút, mời gọi đầu tư vào các ngành CNPT. Cùng với đó, Đề án Định hướng phát triển các ngành CNPT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 của Sở Công thương cũng được triển khai từ năm 2016… sẽ mang lại nhiều ưu đãi cho các DN phát triển CNPT tại Bình Dương.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=462
Quay lên trên