Công nghiệp tiếp tục đột phá với mũi nhọn công nghệ

Cập nhật: 07-01-2022 | 08:38:38

Với định hướng chiến lược và bước đi phù hợp, các doanh nghiệp (DN) Bình Dương đang sẵn sàng cho những bứt phá mới, ngoạn mục hơn để phát nhanh, bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng chung của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.

 Sản xuất tại Công ty Kim Sang (TX. Tân Uyên)

Bước tiến dài

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đáng ghi nhận, theo hành trình phát triển, nền công nghiệp Bình Dương không chỉ phát triển đa ngành, quy mô, sản lượng lớn mà còn từng bước tạo nên sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, cạnh tranh rất tốt trên thị trường thế giới. Đặc biệt trong vòng 10 năm qua, nền công nghiệp Bình Dương đã có một bước tiến rất dài để đi đến công nghiệp 4.0.

Ông Ngô Anh Tụ, Tổng Giám đốc Công ty Vinasoy (KCN Việt Nam - Singapore 2A), cho biết công ty luôn nỗ lực để theo kịp nhịp phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm. Mới đây, công ty đã đầu tư nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bình Dương 900 tỷ đồng với công nghệ tiên tiến nhất của Thụy Điển. Mặc dù công suất đạt 180 triệu lít/năm, tương đương với công suất của cả nhà máy ở Quảng Ngãi và Bắc Ninh, nhưng với việc ứng dụng công nghệ 4.0 nhà máy tại Bình Dương chỉ sử dụng vài chục lao động có trình độ cao để điều phối các hệ thống robot và theo dõi hệ thống tự động vận hành đạt hiệu quả tối ưu nhất. Công ty cũng đang có những bước tiến dài trên thị trường, khẳng định vị thế của ngành thực phẩm Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (KCN Đại Đăng), thực tế thời gian qua đã cho thấy nhờ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong xu hướng chung đó, 3 năm qua, công ty liên tiếp đầu tư công nghệ, tái cấu trúc nhà máy, lắp đặt các dây chuyền sản xuất mới để nhanh chóng phục hồi, phát triển. Sắp tới, công ty đưa vào vận hành công nghệ của châu Âu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của khách hàng, để thương hiệu của Đại Thiên Lộc vươn xa.

Hiện nay, tự tin với trình độ công nghệ, làm chủ thiết kế, chế tạo của mình, ngành cơ điện Bình Dương đang nỗ lực tham gia các dự án lớn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, kết nối với DN trong nước, tiến tới phát triển bền vững. Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (SBM), cho biết các DN đang nỗ lực kết nối với các tập đoàn lớn để chứng minh năng lực và tham gia vào các hạng mục thế mạnh. Năm 2021, việc thắng thầu quốc tế cung cấp lắp đặt các tổ máy phát điện lớn cho các tập đoàn FDI tại Việt Nam càng khẳng định ưu thế vượt trội của SBM trong lĩnh vực máy phát điện công nghiệp. Cuối tháng 12- 2021, SBM hoàn thành việc cung cấp 2 tổ máy phát điện MDG2000, 2200KVA cho dự án của Tập đoàn Japfa Comfeed tại Việt Nam.

“Sau hơn 60 ngày nỗ lực, vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tháng 12-2021, SBM đã hoàn thành đúng tiến độ 2 hợp đồng trọn gói: Sản xuất, lắp ráp, cung cấp và lắp đặt 2 tổ máy phát điện nhãn hiệu SBMPOWER® MDG2000, công suất 2200KVA và tổ máy cùng hệ thống chuyển nguồn tự động cho dự án của Tập đoàn Japfa Comfeed (Indonesia) tại tỉnh Bình Phước. Tổng giá trị 2 hợp đồng gần 11 tỷ đồng đã được Japfa thanh toán ngay cho SBM sau khi hoàn thành nghiệm thu, bàn giao. Doanh số có thể chưa phải là lớn nhưng niềm vui từ chính sự nỗ lực đã bước đầu khẳng định năng lực và uy tín của các DN Việt đang được các tập đoàn nước ngoài thừa nhận”, ông Trọng khẳng định.

Tạo lập môi trường thuận lợi

Hiện Bình Dương được các DN, nhà đầu tư đánh giá cao về các chỉ số gia nhập thị trường và công tác hỗ trợ DN. Đây là kết quả của việc tỉnh đã rà soát và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký DN và giải quyết các thủ tục về đầu tư, thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án triển khai sản xuất, kinh doanh.

Trong định hướng sắp tới, Bình Dương tiếp tục phát triển công nghiệp, đó là mũi đột phá được Bình Dương kiên trì theo đuổi xuyên suốt các thời kỳ. Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định tỉnh tiếp tục mở rộng không gian phát triển, ưu tiên phát triển khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương. Tỉnh cũng khuyến khích DN tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất. Tăng cường công tác ứng dụng chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

 Trong năm 2022, Bình Dương tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh song song với tăng trưởng kinh tế, phấn đấu GRDP năm 2022 tăng 8 -8,3% so với năm 2021. Dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, Bình Dương vẫn triển khai đồng bộ các giải pháp, đặt quyết tâm trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước vào năm 2045.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên