Tháng 8-2018, Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương tăng đến 17,06% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao so với bình quân của cả nước. Có được kết quả này là nhờ Bình Dương đẩy mạnh các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất trong thời gian qua.
Thể hiện tốt vai trò chủ lực
Có thể nói, trong những tháng qua, ngành công nghiệp của Bình Dương tiếp tục thể hiện được vai trò chủ lực trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chỉ tính riêng trong tháng 8, chỉ số phát triển công nghiệp toàn tỉnh đã tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 17,06% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng mừng là công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã tăng đến mức 9,43% và khai khoáng giảm 7,44% so với cùng kỳ năm 2017. Các chỉ số này cho thấy nền công nghiệp tỉnh nhà đã dần đi vào chiều sâu, là nền sản xuất hàng hóa lớn không chỉ của vùng mà cả nước.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Trong những năm qua, Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Hầu hết vốn đầu tư trong nước lẫn vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp, điều đó cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó, ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Sản phẩm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm ra đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất công nghiệp tăng cao kéo theo kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng ấn tượng. Trong tháng 8-2018, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh đạt 2,158 tỷ USD; tính chung 8 tháng năm 2018 đạt 12,145 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt thặng dư thương mại sau 8 tháng gần 3,2 tỷ USD.
Phát triển đúng định hướng
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Ðảng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Từ mục tiêu chiến lược của Ðảng và từ những thành công, những mặt còn hạn chế rút ra trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, Bình Dương xác định tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp lên tầm cao mới. Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới.
Chương trình số 34-Ctr/TU ngày 15-12-2016 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 đã xác định tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Bên cạnh đó là Chương trình số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy về việc tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp và đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh đều hướng đến sự phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tới đây Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp phụ trợ; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Bình Dương sẽ cơ cấu lại các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu hướng vào thị trường các nước phát triển và khu vực; phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, cơ khí, hóa chất, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu... Song song đó, Bình Dương cũng sẽ phát triển công nghiệp ở phía Nam của tỉnh theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ; khuyến khích phát triển công nghiệp ở phía bắc của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu.
Có thể nói, trong thời gian qua, ngành công nghiệp tỉnh nhà đã có những nỗ lực vượt bậc, vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời gian tới ngành công nghiệp của Bình Dương cần có những cố gắng hơn nữa, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực, phát triển đúng định hướng, theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Để thực hiện điều này, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp; kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn cũng phải sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguyên liệu đầu vào, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
Theo UBND tỉnh, chỉ tính trong năm 2017 sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và phát triển thị trường. Nhờ đó chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 10,98%; đây là mức tăng thuộc tốp đầu và cao hơn so với con số 9,4% của cả nước. Trong 8 tháng năm 2018, công nghiệp của tỉnh tiếp đà tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Có được kết quả này, một trong những nguyên nhân quan trọng là hầu hết các dự án đầu tư vào Bình Dương trong thời gian qua đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả này rất phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong hành trình vươn lên thành một tỉnh đi đầu về công nghiệp của khu vực Đông Nam bộ mà tỉnh đã đề ra. Trong thời gian tới, để công nghiệp đi vào chiều sâu, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Bình Dương cũng sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các khu công nghiệp đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
KHÁNH VINH