Công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực

Cập nhật: 20-12-2016 | 11:50:12

Sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh trong thời gian qua phát triển ổn định, thể hiện vai trò chủ lực trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2017, công nghiệp của Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ các yếu tố thuận lợi mới.

Tăng trưởng ổn định

Năm 2016, chỉ số phát triển công nghiệp của Bình Dương tăng 10,1%. Tuy mức tăng có thấp hơn năm 2015 (10,3%) nhưng kết quả này đã thể hiện những nỗ lực lớn của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Bởi lẽ năm nay, ngành công nghiệp của tỉnh phải chịu những tác động nhất định về thị trường, nguyên vật liệu, tỷ giá… Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng khá, cùng với đó chủ động xúc tiến thương mại, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xác định những mặt hàng chủ lực để tăng khối lượng sản phẩm, gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. 

Các khu, cụm công nghiệp phát triển tốt

Năm 2016, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với số vốn trên 300 tỷ đồng; cho thuê lại đất, nhà xưởng với tổng diện tích gần 346 ha. Trong năm, các khu công nghiệp của tỉnh thu hút 1,615 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 85,8% tổng số vốn đầu tư vào tỉnh; các khu, cụm công nghiệp xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, doanh thu đạt 20 tỷ USD. Năm 2016, Bình Dương đã triển khai thực hiện và hướng dẫn các chủ đầu tư xây dựng các khu công nghiệp theo quy hoạch điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời phê duyệt cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV đầu tư Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng và Khu công nghiệp Cây Trường. Đây là điều kiện để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dịch vụ và đô thị.

Trong những ngành tăng trưởng cao có ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 13,3%, cung cấp và xử lý nước thải tăng đến 17,3%... Có đến 25/28 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng so với năm 2015, trong đó có 14 nhóm tăng trên 10%. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giữ mức tăng ổn định, như: dệt may tăng 6,7%, da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,6%, sản xuất thiết bị điện tăng 18,8%... Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định đã góp phần giúp tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 tăng 8,5% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 63% - 23,5% - 4,3% - 9,2%.

Tăng cường hiệu quả

Tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng trong năm 2016 ngành công nghiệp đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong năm 2017, ngành công nghiệp của tỉnh cần có những cố gắng hơn nữa, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực, phát triển đúng định hướng, theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại trên địa bàn.

Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH New Choice Foods, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (TP.Thủ Dầu Một) . Ảnh: Xuân Thi 

Theo đó, Bình Dương phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn cũng phải sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguyên liệu đầu vào, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

Để công nghiệp phát triển vào chiều sâu, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các khu công nghiệp đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Về tầm nhìn phát triển công nghiệp dài hạn, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết mục tiêu của tỉnh là nâng tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 8,3%/năm (tương ứng GDP là 13,3%); phấn đấu tới năm 2020, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực. Đồng thời, tỉnh nhà cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho việc kêu gọi nhà đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; hàng năm giải quyết việc làm cho 45.000 lao động...

Trong giai đoạn mới, Bình Dương sẽ cơ cấu lại các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu hướng vào thị trường các nước phát triển và khu vực; song song đó phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, cơ khí, hóa chất, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu... Tỉnh nhà sẽ phát triển công nghiệp ở phía nam của tỉnh theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Cùng với đó, địa phương cũng khuyến khích phát triển công nghiệp ở phía bắc của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

KHÁNH VINH 

Chia sẻ bài viết
Theo tôi muốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tốt thì tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cụ thể là quy hoạch đất công thành một khu công nghiệp .sau đó cấp đất cho DN nhỏ và để DN tự xd nhà xưởng .bởi vì DN nhỏ họ có trình độ tay nghề nhưng lại không có vốn họ không thể đầu tư dàn trải ,nếu phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì họ không có khả năng mua máy móc thiết bị mới và hiện đại .nếu DN nào phá sản thì tỉnh thu hồi lại mặt bằng ,cấp cho DN khác .làm đươc như vậy tỉnh quản lý và quy hoạch rất dễ .Tôi cũng làm doanh nghiệp tôi rất hiểu khi mình không đủ vốn để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho nên rất khó cạnh tranh trên thị trường ,bởi vì có bao nhiêu tiền tôi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng .rất mong cơ quan Tỉnh nghiên cứu xem xét .chân thành cảm ơn!
Lai Thể (Cách đây 8 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=406
Quay lên trên