Trong tình hình mới, nhiều công nhân lao động (CNLĐ) khi dương tính với Covid-19 được cách ly, điều trị tại phòng trọ. Tuy đã được tiêm ngừa 2 mũi vắc xin, nhưng khi cách ly điều trị tại phòng trọ, CNLĐ không chủ quan và cần nâng cao ý thức, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Phòng ngừa cho bản thân
Nhà trọ khi có một vài trường hợp CNLĐ dương tính với Covid-19, với sự đồng thuận của chủ nhà trọ thì F0 được cách ly điều trị tại nhà trọ. Khi cách ly tại nơi ở nghĩa là phải tự theo dõi sức khỏe của bản thân. Chính vì vậy, việc có kiến thức, hiểu biết về các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, cũng như phương pháp, cách làm để CNLĐ thực hiện ngay từ khi phát hiện dương tính để ngăn chặn vi rút là rất cần thiết. Cùng với đó, CNLĐ cần trang bị cho bản thân túi thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế để khi gặp các triệu chứng có thể dùng thuốc ngay.
Anh Đoàn Văn Tra, công nhân ở trọ tại phường Vĩnh Phú (TP. Thuận An), nói: “Ngày trước cách ly điều trị tại bệnh viện, khu điều trị thì có người hướng dẫn các việc điều trị, có thuốc uống và khi chuyển nặng còn kịp xử lý. Bây giờ F0 tại phòng trọ trước hết cần biết và thực hiện biện pháp cơ bản như xông hơi, tập thể dục. Dù mọi người đã tiêm vắc xin nhưng không vì vậy mà thụ động trong việc phòng ngừa các triệu chứng gây hại sức khỏe. Tôi từng là F0 đã khỏi bệnh nhưng cũng phải phòng ngừa để không tái nhiễm”.
Tình nguyện viên test kiểm tra cho các trường hợp F0 tại nhà trọ
Trong tình hình mới, Bình Dương phục hồi sản xuất, người lao động cần chủ động tinh thần thích ứng an toàn. Dịch bệnh vẫn còn, cho nên phải phòng bệnh hơn chữa bệnh, cân nhắc mọi họat động trong đời sống hàng ngày. Chị Lê Ánh Nga, công nhân ở trọ tại phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát), chia sẻ về việc phòng bệnh Covid-19: “Bản thân mình cũng phải thực hiện việc phòng bệnh vì môi trường nhà trọ công nhân tập trung đông, không gian chật hẹp, không thể chủ quan được. Bạn bè rủ ra ngoài ăn nhưng tôi cũng chưa dám, đeo khẩu trang đã thành thói quen và tôi không tự tin tháo khẩu trang khi ở bên ngoài cộng đồng. Tôi nghĩ đến chuyện nếu gia đình bị nhiễm hết, các triệu chứng xảy ra một lượt thì cũng khó khăn, lúc đó ai chăm lo ai được”…
Cách ly tại phòng trọ, anh chị em công nhân cần phải biết và lưu số điện thoại trạm y tế xã, phường và trạm y tế lưu động thuộc địa phương để chủ động liên hệ khi cần được hướng dẫn; cấp túi thuốc và liên hệ đường dây nóng khi có bất thường về sức khỏe, tình trạng bệnh chuyển biến nặng… Chị Nga nói thêm: “Tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài. Mình phải chủ động nắm bắt các số điện thoại y tế ở địa phương; đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, kiến thức về bệnh khi tự cách ly điều trị để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”.
Không lây bệnh cho mọi người
Có tình trạng F0 “dửng dưng” ra ngoài khi không có triệu chứng và nghĩ mọi người đã tiêm vắc xin, đeo khẩu trang sẽ không lây nhiễm nên đã “vô tư” đi ra bên ngoài và tạo “cơ hội” cho vi rút “tiếp cận” với nhiều người. Thực tế ghi nhận, mặc dù đã tiêm 2 mũi nhưng nhiều trường hợp có bệnh nền vẫn có nguy cơ tử vong và tình trạng lây nhiễm ở trẻ em do người lớn bị lây nhiễm từ bên ngoài mang vi rút về nhà.
Chị Nguyễn Thị Na, công nhân ở trọ tại phường Thái Hòa (TX. Tân Uyên), nói: “Trong nhà trọ có F0 cách ly tại phòng khiến mọi người trong khu trọ rất cẩn thận. F0 cần nhận thức tốt việc không để lây nhiễm ra cộng đồng, ở tại phòng trọ cách ly đến khi khỏi bệnh và đúng thời gian thì mới ra bên ngoài. Còn ngược lại nếu không ý thức và đi ra ngoài thì rất nguy hiểm cho người ở trọ cũng như nhiều đối tượng giao tiếp. F0 tại phòng trọ khi cần mua đồ dùng, thức ăn có thể liên hệ bạn bè, chủ nhà trọ mua hộ để có thể ở trong phòng trọ cách ly; không nên ỷ lại việc không triệu chứng bệnh và giao tiếp cộng đồng thì rất đáng lo ngại việc dịch bệnh bùng phát” .
Còn chị Trần Thị Tâm, công nhân ở trọ tại phường Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), nói: “Theo tôi khi công nhân test kiểm tra Covid-19 tại công ty, nếu phát hiện bản thân dương tính thì phải đi thẳng về phòng trọ, không nên tiếp xúc với người nào. Sau khi về phòng trọ, F0 hãy liên hệ với chủ trọ để thông báo khu phố, địa phương để được y tế địa phương test kiểm tra, không được giấu bệnh và tuân thủ nghiêm ngặt việc cách ly tại phòng trọ để không lây nhiễm ra mọi người trong khu trọ”.
Thiết nghĩ, trong cuộc chiến với Covid-19, mỗi người cần ý thức hơn và chung tay không để dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Không giãn cách xã hội, vắc xin đã được tiêm, không có nghĩa là dịch bệnh không còn; ý thức vẫn phải luôn đồng hành với các biện pháp phòng bệnh để dịch bệnh không lây ra cộng đồng. Mỗi người cùng góp sức phòng, chống dịch bệnh để số người nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm xuống thấp. Có như vậy mới thích ứng an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.