Điện lực Bình Dương đã thông báo lịch cúp điện theo từng khu vực. Theo kế hoạch, mỗi tuần mỗi khu vực sẽ bị cúp điện 2 lần từ 6 giờ đến 22 giờ. Do cúp điện như vậy nên không chỉ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng mà cả doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn. Không ít doanh nghiệp (DN) bị trễ thời gian giao hàng so với hợp đồng ký kết đã gây thiệt hại đáng kể...
Không có điện, dây chuyển sản xuất Công ty Cổ phần Thép Nam Kim ngưng hoạt động nên công nhân không có việc làmCúp điện... nhà máy ngưng sản xuất
Trong những ngày đầu tháng 4-2010, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim ở Cụm sản xuất An Thạnh, Thuận An nhận thông báo tạm ngưng cung cấp điện do Điện lực Bình Dương - Chi nhánh Thuận An gửi đến. Theo thông báo, hiện nay hệ thống lưới điện quốc gia thiếu nguồn trầm trọng do hạn hán kéo dài. Để bảo đảm tình hình vận hành lưới điện an toàn, Điện lực Bình Dương sẽ tiến hành cắt tiết giảm điện từ 6 giờ đến 22 giờ các ngày 12, 16, 19 và 24-4... Như vậy theo lịch cúp điện thì trong 1 tháng Công ty Nam Kim phải bị cắt điện 8 ngày. Ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Kim bức xúc: Công ty Nam Kim là đơn vị sản xuất các loại tôn mạ màu, mạ kẽm và kinh doanh sắt thép. Đặc tính quan trọng của dây chuyền sản xuất là liên tục. Vừa qua, công ty có nhận được thông báo cúp điện của Điện lực Bình Dương sẽ cúp điện vào 2 ngày/tuần. Việc cúp điện như vậy gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của công ty, đó là: Mỗi ngày cúp điện xong dây chuyền sản xuất phải khởi động và đốt lò trở lại, việc này làm tiêu hao rất nhiều chi phí, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công ty đã mua bằng vốn vay của ngân hàng nên việc ngưng sản xuất trong thời gian dài sẽ không có thành phẩm để bán đồng nghĩa với việc nguyên nhiên liệu tồn kho mà công ty phải trả lãi vay ngân hàng. Những ngày cúp điện ngưng sản xuất nhưng công ty vẫn phải trả lương cho hơn 150 công nhân và các chi phí khác, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Tất cả các đơn hàng công ty đã ký cam kết với khách hàng, nếu giao hàng chậm công ty phải trả tiền phạt vi phạm hợp đồng. Những chi phí phát sinh như trên làm cho giá thành thành phẩm của công ty tăng lên nên rất khó cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm không bán được đẩy công ty trên bờ vực phá sản. Tính ra thiệt hại mỗi ngày cúp điện công ty phải gánh chịu hàng trăm triệu đồng để trả lương cho công nhân, nguyên liệu bị hư hỏng và tiền bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Ông Ngô Ngọc Sơn cũng đề xuất: Cùng thông cảm thực hiện tiết kiệm điện với ngành điện lực, DN cũng hết sức thông cảm nhưng không nên cúp hoàn toàn điện như vậy. Tại sao ngành điện lực không làm cam kết với DN cụ thể trong mỗi tháng DN phải tiết kiệm về định mức sử dụng điện. Nếu được cho DN chủ động như vậy thì chắc chắn sẽ có lợi cho cả hai bên.
Thiếu điện đang là tình trạng chung của cả nước, các DN và người dân ở Bình Dương đều thông cảm chia sẻ những khó khăn này. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng họ rất lúng túng trong bố trí lịch sản xuất khi tiếp nhận các bảng thông báo mất điện 2 ngày/tuần của ngành Điện lực Bình Dương. Giám đốc một DN đã ví von rằng giờ đây DN như cá nằm trên thớt.
Đảo lộn sinh hoạt
Không chỉ DN thiệt hại vì cúp điện mà người lao động cũng đang kêu trời khi nhìn thấy lịch cúp điện 2 ngày/tuần của ngành điện lực kéo dài từ 6 giờ đến 22 giờ, nghĩa là gần như cúp điện nguyên ngày. “Không chịu nổi”, bà T., một người dân ở TX.TDM kêu trời. Một số người giữ trẻ theo nhóm 5- 10 cháu không có điều kiện mua máy phát điện, mỗi khi cúp điện như vậy các cháu sống trong điều kiện oi bức, có đứa không chịu nổi bỏ ăn, quấy khóc rồi đổ bệnh. Vào buổi trưa nắng nóng, bà con cả khu phố thường kéo đến những gốc cây to có bóng mát để đi tránh nóng. Một số công nhân lao động không theo dõi được lịch cúp điện của ngành điện lực nên không chuẩn bị lượng nước dự trữ. Khi nước hết rơi vào ngày cúp điện có người phải dở khóc, dở cười bởi không có nước sử dụng trong sinh hoạt. “Ăn theo” những ngày nắng nóng cúp điện, hiện nay ngoài thị trường các loại đèn sạc điện, bình ắc quy dùng cho đèn sạc điện, máy phát điện cũng đang khan hiếm và giá cả tăng cao, “lực bất tòng tâm” nên công nhân đành bấm bụng chịu nóng, chịu “thiếu” ánh sáng. Hôm 20-4, chúng tôi thử đến một cửa hàng bán đồ điện hỏi mua một bình ắc quy loại 6v dùng đèn điện. Chủ cửa hàng lắc đầu, trả lời: “Mấy loại này trong những ngày gần đây khan hiếm lắm không có hàng bán, giá cả tăng từ 5 - 20%”. Nỗi khổ không dừng lại ở đó, khi trời chạng vạng tối nhiều công nhân phải kéo ra đường ngồi cho đỡ nóng nhưng trong lòng luôn nơm nớp lo trộm lợi dụng đêm tối vào “viếng” nhà. Lịch cúp điện của ngành điện lực cũng còn kéo dài, xem ra, người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng còn phải “khắc phục” khó khăn thêm nữa.
TƯỜNG VY