Công nhân “oằn mình” với phí rút tiền từ ATM 

Cập nhật: 13-08-2015 | 07:59:34

Quy định thu phí máy rút tiền tự động (ATM) của Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-3-2013. Sau hơn 2 năm áp dụng quy định này, nhiều khó khăn đã đến với người sử dụng thẻ ATM, nhất là đối với công nhân lao động.

 

 

Khách hàng rút tiền tại một điểm ATM ở TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: XUÂN THI

 Tốn nhiều tiền phí

Chị Hà Hoài Ân, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (TX.Bến Cát) đắn đo mãi khi quyết định rút tiền từ ATM, số tiền chị dự tính rút chỉ 300.000 đồng. Đây là lần thứ 10 chị đi rút tiền trong tháng, mỗi lần như thế chị tốn phí 1.100 đồng tại ATM. Đó là khi chị rút tiền trong hệ thống ATM của NH phát hành thẻ ATM của chị, còn những lúc rút tiền tại ATM ngoài hệ thống thì phí này lên đến 3.300 đồng cho một lần giao dịch.

Khi chúng tôi hỏi: “Sao chị không rút hết một lần mà rút lắt nhắt nhiều lần” thì được chị Ân cho biết, do cần phải tính toán chi tiêu trong 1 tháng, rồi còn tiền dành dụm gửi về quê nên không dám rút nhiều. Thường chị rút tiền để đi chợ đủ trong 3 ngày. Như vậy, bình quân 1 tháng chị có khoảng 10 lần đi rút tiền, nều tính luôn những lần rút tiền ATM ngoài hệ thống và in hóa đơn giao dịch chị tốn hơn 30.000 đồng tiền phí mỗi tháng.

Đại diện Phòng thẻ ATM, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, hiện NH đang áp dụng mức thu phí cho mỗi lần giao dịch là 1.100 đồng cho nội mạng và thu 3.300 đồng nếu đó là giao dịch từ hệ thống NH khác khi khách rút tiền tại ATM của Agribank. Bên cạnh đó, Agribank còn thu thêm phí in hóa đơn một lần là 550 đồng, phí thẻ 5.500 đồng/năm và phí tin nhắn SMS 9.900 đồng/tháng nếu khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, nếu khách hàng giao dịch trực tiếp tại các quầy giao dịch thì lệ phí rút tiền là 0 đồng.

Anh Dương Hoài Đỗ làm việc tại Công ty TNHH Thành Thắng (TX.Dĩ An) bức xúc cho rằng, mức tối đa cho rút tiền ATM nảy sinh nhiều điều bất hợp lý, ngoài chuyện mất thời gian anh còn tốn hàng chục ngàn đồng cho mỗi lần muốn rút tiền với số lượng vài chục triệu đồng.

Lỗ do chi phí cao?

Một số NH chiếm thị phần thẻ không nhiều như NH Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TienPhongbank), NH Thương mại Cổ phần Bảo Việt (BaoVietbank), NH Thương mại Cổ phần Nam Á (NamAbank)... đều tuyên bố tiếp tục bù lỗ và miễn phí giao dịch ATM. Tuy nhiên, đây là những NH chưa có nhiều chủ doanh nghiệp chọn làm đối tác trả lương qua hệ thống thẻ ATM. Đa số doanh nghiệp tại Bình Dương đều chọn các NH tên tuổi như Agribank, NH Thương mại Cổ phần Đầu tư & Phát triển (BIDV), NH Thương mại Cổ phần Ngoại Thương (Vietcombank), NH Thương mại Cổ phần Công Thương (Viettinbank)… làm đối tác.

Ông Ngô Trọng Linh, Trưởng phòng Khách hàng NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Bình Dương cho biết, việc áp dụng thu phí rút tiền của các NH hiện làm theo đúng quy định của pháp luật, đa số các NH Nhà nước đều áp dụng chính sách này. Các NH Nhà nước lại liên kết chặt chẽ nên lượng khách hàng sử dụng thẻ ATM của các NH này rất lớn; đối với các NH liên doanh rất khó cạnh tranh ở thị trường thẻ ATM. Tuy nhiên, một số NH như SHB vẫn áp dụng chính sách miễn phí giao dịch, thậm chí chịu phí giao dịch cho khách hàng khi khách rút tiền từ ATM ngoài hệ thống NH của mình.

Giám đốc một chi nhánh NH tại Bình Dương cho biết, đầu tư một ATM có giá trên dưới 600 triệu đồng. Mỗi ATM chỉ cần 1 - 1,5 năm là thu hồi vốn qua việc thu phí, cho dù phải trả lãi suất trong thẻ ATM của khách hàng, vì mức lãi suất này khách hàng được hưởng không nhiều hoặc không đáng kể so với việc thu phí. Tuy nhiên, khi các NH lớn cùng “bắt tay” thu phí thì việc các NH nhỏ không thu phí ATM khi giao dịch là rất khó khăn.

Theo các chuyên gia, việc cho rằng áp dụng thu phí từ 1.000 đồng đến trên 3.000 đồng khi khách hàng thực hiện rút tiền mà các NH than lỗ thì cần nhìn nhận một cách công bằng. Bởi nhiều NH đều quy định số dư trong tài khoản ít nhất từ 50.000, nếu quy ra hàng triệu thẻ ATM đang lưu hành hiện nay là con số khổng lồ.

Một số chuyên gia cho rằng, các NH nên miễn phí giao dịch ATM nội mạng hoặc chỉ thu phí giao dịch ATM ngoài giờ hành chính thì sẽ góp phần tiết kiệm chi phí giao dịch cho khách hàng, nhất là đối tượng công nhân, người lao động bình dân.

 PHÙNG HIẾU - PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1069
Quay lên trên