Những năm gần đây, Bình Dương tiếp nhận hàng chục ngàn công nhân (CN) từ khắp nơi về làm việc tại các khu công nghiệp. Nhiều bạn CN an phận với công việc hiện tại, tuy nhiên vẫn có rất nhiều bạn trẻ nhen nhóm khát vọng “đổi đời” bằng một công việc tốt, ổn định, lương cao. Bởi vậy, ban ngày đến nhà máy, công ty làm việc, tối đến họ vẫn miệt mài với đèn sách.
Tuy vất vả nhưng với ước mơ “đổi đời” đã tạo thành động lực giúp các bạn phấn đấu (CN tại lớp điện trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Đông Nam)
Vượt khó đến trường
Đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại Bình Dương vào những buổi tối, chúng tôi gặp rất nhiều bạn CN đến đăng ký học các khóa đào tạo nghề hệ trung cấp, cao đẳng tại các phòng ghi danh. Hầu hết những người đăng ký đều là CN phổ thông hiện làm việc tại các doanh nghiệp (DN) có trình độ thấp, chưa qua đào tạo bất kỳ chuyên ngành, chuyên môn nào. Để có thời gian đến trường họ đã phải làm việc tăng ca liên tục. Trong đó có nhiều bạn chưa kịp thay cho mình bộ đồ CN, chưa kịp ăn uống, nghỉ ngơi đã phải chạy đến trường cho kịp giờ học.
“Quyết định đi học, tôi đã phải cố gắng rất nhiều, từ việc ăn uống tiết kiệm, cắt mọi khoản chi chưa cần thiết. Khi đi học, chuyện nhịn ăn để kịp giờ đến lớp là chuyện bình thường, thế nhưng được đi học là niềm vui không gì tả được”, Trịnh Thị Hòa, CN Công ty May Phú Xuân (TX.TDM) nói. CN phần lớn là dân nhập cư cùng cảnh nghèo như nhau, để có thể vừa đi học, vừa đi làm là thử thách khá lớn đối với họ. Đối với Hòa sau khi rớt đại học, cô theo bạn vào Bình Dương làm CN. Không chấp nhận cả đời làm CN suốt ngày lao động bằng tay chân, cô đã nỗ lực hết mình để theo học lớp trung cấp kế toán tại trường Đại hoc Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Phòng trọ cách trường gần 10km, bởi vậy sau khi tan học phải hơn 22 giờ Hòa mới về tới phòng. Vừa ăn vội chén cơm nguội hay tô hủ tíu là Hòa lao vào bàn xem lại bài vở, khi chịu hết xiết mới chợp mắt. Hòa tâm sự: “Phải học “ép xác” như thế vì là CN có ít thời gian, phải đua như vậy mới kịp theo các bạn trong lớp. Tôi luôn tự nhủ nếu quyết tâm “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, bởi vậy tôi phải cố gắng hơn nữa trong công việc và học tập. Hiện tôi đang theo học ngành trung cấp kế toán nên rất tự tin sau này sẽ kiếm được việc làm tốt”.
Cũng như Hòa, Minh Thanh (SN 1990) quê Vĩnh Phúc hiện đang là CN Công ty TNHH An Hưng Tường (TX.TDM) chuyên sản xuất thép cũng tranh thủ thời gian đến giảng đường bổ sung kiến thức cho nghề nghiệp. Thanh kể, Thanh rất muốn được học đại học nhưng gia đình quá khó khăn, bởi vậy vừa học xong lớp 12 bạn đã tạm gác chuyện học hành bắt tay vào phụ giúp gia đình. Sau đó, cả gia đình chuyển vào Bình Dương làm CN. Với ước mơ được đi học, hơn 1 năm làm CN Thanh đã tích góp được một khoản tiền đủ đóng học phí. Tuy vừa học, vừa làm vất vả nhưng Thanh không cho gia đình biết vì sợ gia đình lo lắng. Hiện nay, Thanh đang theo học lớp điện trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Đông Nam được gần 2 năm. “Đôi lúc thấy các bạn trong công ty sau giờ làm tụ tập nhậu nhẹt, vui chơi mình cũng thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, nghĩ lại nếu không học sẽ không mong có một cái nghề ổn định, bởi vậy tôi càng cố gắng hơn để thực hiện ước mơ cháy bỏng đó”.
Rõ ràng việc học tập, nâng cao trình độ cho CN là hết sức cần thiết. Bởi qua đó nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, thế nhưng ít có DN nào nhận thấy được điều này. Trao đổi với chúng tôi, nhiều CN cho rằng, không chỉ thiếu quan tâm đến việc nâng cao kiến thức, trình độ cho người lao động, nhiều DN không những không hỗ trợ mà còn gây khó dễ, tạo áp lực cho CN với lý do, nếu vừa làm vừa học thì không có thời gian tái tạo sức lao động, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả công việc. Vì vậy, những người theo học được là một sự nỗ lực rất lớn của bản thân. Bởi vậy, họ hy vọng sẽ nhận đươc sự hỗ trợ từ phía công ty, xí nghiệp và nhà trường để họ có cơ hội vươn lên.
“Đổi đời” nhờ ham học
Suốt một ngày lao động mệt mỏi, tan ca vội vã cắp sách đến trường, đêm đêm chong đèn học bài... có chứng kiến cảnh đó, chúng tôi mới hiểu hết nỗi khó khăn, vất vả mà các bạn CN ham học đang gặp phải. Thế nhưng từ những chuỗi ngày miệt mài lặng lẽ đầy khó nhọc đó, không ít CN ham học đã được “đổi đời”... Tốt nghiệp cấp III, Lê Thị Nga rời quê nhà Thanh Hóa lên Bình Dương làm CN. Cô xin vào làm CN tại Công ty Phú Xuân (TX.TDM). Nhiều lần đi làm ngang qua khu vực hành chính của công ty, Nga thầm ước “được làm việc ở đó”. Để nuôi mơ ước, Nga tiết kiệm mọi chi tiêu hơn 1 năm, khi đã đủ số tiền đóng học phí cô mạnh dạn nộp đơn dự tuyển vào lớp trung cấp kế toán ban đêm tại trường Dạy nghề Phương Thủy (nay là trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương). Sau 3 năm vừa học, vừa làm đầy khó khăn vất vả, hiện nay Nga đang làm kế toán Công ty TNHH Try on Rubber (KCN Mỹ Phước 1, Bến Cát) chuyên sản xuất, gia công đế giày các loại với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Từ đó, cuộc sống cô CN xứ Thanh đã ổn định hơn. Nga chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in ngày được nhận tấm bằng tốt nghiệp, thành quả sau bao năm vất vả mới đạt được. Giờ đây đã có công việc ổn định, tôi thấy những cố gắng của mình thật sự được đền đáp xứng đáng”.
Bình Dương là tỉnh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, bởi vậy CN được coi là lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển chung của xã hội. Thế nhưng hiện nay, trong tổng số gần 600 ngàn lao động đang sinh sống, làm việc tại Bình Dương, phần lớn vẫn còn sống trong môi trường khá thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là thiếu điều kiện học tập nâng cao trình độ. Do đó, để con đường đến giảng đường của CN được thuận lợi cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía các DN, công ty và cả xã hội.
THIÊN LÝ