Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2023: Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Cập nhật: 20-12-2023 | 08:59:24

Thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, năm 2023, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Bình Dương đã đạt được kết quả tích cực . Theo đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

 Khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn huyện Bàu Bàng

 Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Trao đổi với P.V, bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết năm 2023, các chỉ tiêu DS của tỉnh ước thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả tự đánh giá cuối năm theo bảng điểm của Tổng cục DS-KHHGĐ về ban hành bảng điểm đánh giá công tác DS-KHHGĐ năm 2023, tỉnh Bình Dương đạt 105,3/100 điểm, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cụ thể, kết quả thực hiện các chỉ tiêu: Chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh, kế hoạch đề ra tỷ suất sinh thô tăng 0,2‰ so với năm 2022; thực hiện tăng 0,23‰, vượt 0,03‰ so với kế hoạch; tỷ lệ người mới sử dụng biện pháp tránh thai là 74.353/60.000 người, đạt 123,92% (vượt 11,6% so với kế hoạch); số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 21.076/28.051 người, đạt 75,1% (kế hoạch đề ra 56%, vượt 19,1%); số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh là 21.750/27.622 trẻ, đạt 78,7% (kế hoạch đề ra 70%, vượt 8,7%); tỷ lệ giới tính khi sinh thực hiện là 103 bé trai/100 bé gái (14.010 bé trai/13.612 bé gái) (kế hoạch duy trì từ 103-107 bé trai/100 bé gái); tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là 7.144/8.346 người, đạt 85,6% (kế hoạch đề ra là 80%, vượt 5,6%); tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm là 127.966/146.275 người, đạt 87,48% (kế hoạch đề ra là 80%, vượt 7,48%)...

Để đạt được kết quả trên, theo bác sĩ Hồ Hoàng Vân trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và lòng nhiệt huyết của hệ thống cán bộ DS từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, hệ thống cộng tác viên DS ở cơ sở vẫn thường xuyên duy trì hoạt động tuyên truyền, vận động mọi người dân trên địa bàn xuyên suốt trong thời gian qua. Bên cạnh đó, công tác phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền vẫn được ngành DS duy trì thường xuyên, liên tục.

Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục về DS-KHHGĐ, DS và phát triển được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức, cách làm phong phú, đa dạng và phù hợp theo từng thời điểm, đặc điểm địa bàn, nhóm đối tượng dân cư. Cùng với đó, nhận thức của lãnh đạo chính quyền các cấp chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang DS và phát triển ngày càng được nâng lên. Và một điều không kém phần quan trọng đó là nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng DS ngày càng thay đổi rõ rệt, từ đó điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn.

Đề ra nhiều mục tiêu phấn đấu

Với nhiều giải pháp cũng như huy động sự chung tay của nhiều ngành, đoàn thể, chất lượng DS của Bình Dương trong thời gian qua đã được cải thiện về nhiều mặt. Cụ thể, chỉ số phát triển con người (HDI) ngày càng tăng (năm 2018 là 0,7328; năm 2022 là 0,7558). Tuổi thọ trung bình của tỉnh đạt 74,75 tuổi vào năm 2022 và cao hơn so với mức trung bình của cả nước (73,6 tuổi). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em ở mức tương đối thấp và ngày càng giảm...

Dù được cải thiện nhiều mặt, song Bình Dương hiện nay vẫn đang nằm trong nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp trong cả nước. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh của tỉnh ở mức 1,45 con/phụ nữ. Theo bác sĩ Hồ Hoàng Vân, mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu DS. Mức sinh thấp làm cho tốc độ già hóa DS sẽ diễn ra rất nhanh, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vì thế, để phát huy những kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ, DS và phát triển, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đề ra một số mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2024, bao gồm: Tỷ số giới tính khi sinh từ 103-107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; điều chỉnh mức sinh (+CBR) +0,2‰ so với năm 2023; 80% cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 63% bà mẹ mang thai được tầm soát ít nhất 4 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 80% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; 85% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/1 năm; tỷ lệ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn < 2,96%; tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại >70%; thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu số người mới thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ≥ 60.000 người.

 Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm tới, toàn ngành DS-KHHGĐ sẽ chủ động, tích cực vận động khuyến sinh, dần đưa tỷ suất sinh của tỉnh đạt mức sinh thay thế, tiếp tục giữ vững tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên, chú trọng nâng cao chất lượng DS và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Cùng với đó, ngành sẽ tham mưu việc tận dụng tối đa thời kỳ DS vàng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời thích ứng được với xu hướng già hóa DS trong những năm tiếp theo.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1544
Quay lên trên