Công tác phòng, chống chuột, bảo vệ sản xuất trồng trọt

Cập nhật: 01-07-2024 | 17:23:32

(BDO) Những năm gần đây, cây trồng thường xuyên chịu tổn thất do sự gây hại của chuột, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, đặc biệt là lúa nước. Hàng năm, cả nước có khoảng 60.000 ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác bị chuột gây hại. Mặc dù có ít diện tích mất trắng, nhưng có nhiều diện tích phải gieo sạ lại.

Chuột là một trong những loài sinh vật gây hại khó kiểm soát do tập tính sống và khả năng nhân đàn nhanh chóng. Từ một cặp chuột đực cái trong vòng một năm có thể sinh ra hơn một ngàn con chuột. 

Sự gia tăng mạnh mẽ của chuột hiện nay chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp (hạn hán, lũ nhỏ hoặc không có lũ, thời tiết mùa đông ấm...), đồng thời, việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chuột. 

Sự suy giảm của các loài thiên địch như rắn, chim cú mèo, mèo,… cũng góp phần vào tình trạng này. Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống chuột chưa được tổ chức quy mô và toàn diện, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt an toàn và giảm chi phí sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 1900/CT-BNN-BVTV ngày 15-3-2024, về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt. 

Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện văn bản, thông báo đến địa phương tuyên truyền thực hiện các biện pháp. 

Cụ thể, về biện pháp canh tác, người nông dân cần vệ sinh đồng ruộng như phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột. 

Ngoài ra, cần xác định thời vụ thích hợp và ở những vùng thường bị chuột hại nặng cần gieo trồng và thu hoạch đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn; đồng thời, kết hợp với tổ chức đánh chuột đồng loạt. Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đòng - trổ để hạn chế chuột hại hoặc làm tổ ven bờ.

Về biện pháp vật lý, cơ học, cần đào hang bắt chuột, bởi hầu hết chuột bắt được là chuột cái đang mang thai hay đang nuôi con nhỏ. Tốt nhất là từ giai đoạn lúa ngậm sữa, thời gian này chuột cái vào hang sinh sản. Biện pháp sử dụng các bẫy cơ học như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy bán nguyệt, bẫy ống tre, bẫy lật, bẫy di động, bẫy hàng rào... tốt nhất dùng các loại bẫy ít gây tiếng động để tránh gây sợ cho chuột và cùng lúc có thể bắt được nhiều chuột. Bẫy đạt hiệu quả cao khi đồng ruộng thiếu thức ăn. Thời gian sử dụng tốt là giao thời giữa hai vụ lúa.


Bẫy đạt hiệu quả cao khi đồng ruộng thiếu thức ăn

Hoặc đặt bẫy nơi cửa hang, cạnh hoặc vuông góc với đường đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, rắc thêm vật liệu tương tự nơi đặt bẫy chỉ để lộ mồi, tránh sự phát hiện của chuột, nếu bẫy dùng mồi có thể đặt mồi vài ba ngày cho chúng ăn quen mới lắp bẫy; nên đặt bẫy mồi trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào buổi sáng sớm.

Về biện pháp sinh học, hạn chế dùng các hoá chất quá độc và săn bắt làm chết các đối tượng tấn công chuột như: chó, mèo, chim, trăn, rắn… để chúng khống chế diệt chuột. Khi sử dụng bả, thuốc phải có dụng cụ bảo hộ lao động; dùng muỗng để lấy bả, thuốc thay cho dùng tay trần, hoặc bẫy sau khi bắt chuột cần được làm sạch mùi; các vật liệu dùng để lót bả, thuốc đồng nhất với môi trường. 


Nên đặt bẫy mồi trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào buổi sáng sớm.

Về biện pháp hóa học, có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Bromadiolone như Antimice 3DP; Cat 0,25WP… hoạt chất Warfarin như: RatK 2%DP, Rat-kill 2%DP, Killmou 2.5DP… Ngoài ra còn có thuốc sinh học Storm, thuốc vi sinh Biorat…nên sử dụng liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn của nhà sản xuất.

Để phòng trừ chuột hiệu quả là phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp, thực hiện đồng loạt rất cần có sự vận động, tổ chức của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn về kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn. 

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mong rằng các ngành, địa phương coi diệt chuột là nhiệm vụ thường xuyên, huy động người dân diệt chuột khu dân cư, ngoài đồng ruộng, xem đây là phong trào hàng năm của các tổ chức đoàn thể.

Các đơn vị liên quan của ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra, thanh tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc, bả diệt chuột, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, buôn bán thuốc, bả diệt chuột ngoài danh mục.

Trước khi đánh bả độc cần thông báo rộng rãi cho người dân xung quanh vùng biết, cần phải nhốt gia súc, gia cầm cho tới khi vệ sinh sạch sẽ nơi đặt mồi, thu nhặt chuột chết, mồi thừa và chôn lấp để đảm bảo vệ sinh (cứ mỗi lớp chuột rắc một lớp vôi bột, sau đó lấp đất kỹ).

Phương Anh - Kim Tuyến

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=730
Quay lên trên