Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm. Thống kê từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.448 ca bệnh SXH, giảm 84% so với cùng kỳ năm 2022 và chưa ghi nhận ca tử vong. Kết quả này phản ánh hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Đến từng nhà tuyên truyền bệnh SXH
Thời gian qua, người dân phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một không còn xa lạ với hình ảnh những cộng tác viên y tế đến từng tổ dân phố tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh SXH. Không chỉ đến từng khu phố, con hẻm, các cộng tác viên còn đến từng khu nhà trọ, vào từng gia đình để tuyên truyền người dân giữ vệ sinh sạch sẽ, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng, bọ gậỵ, phòng bệnh SXH. Vào thời điểm giao mùa, bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp, các cộng tác viên lại tăng cường tuyên truyền dày hơn nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.
Người dân và các lực lượng phối hợp TP.Thủ Dầu Một dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm
Chị Lê Thị Bình, cộng tác viên Tổ vãng gia khu phố 8, phường Phú Lợi, cho biết: “Tuyên truyền là làm như thế nào để vận động người dân ý thức được công tác phòng, chống dịch bệnh SXH là việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi người dân. Tôi thường vận động người dân nuôi cá bảy màu vào những dụng cụ, vật chứa, ao tù nước đọng. Mỗi tuần, gia đình dành thời gian dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp những dụng cụ không sử dụng. Nhìn chung, người dân đồng tình ủng hộ nhưng tình trạng làm theo phong trào vẫn còn tồn tại. Để việc vệ sinh phòng bệnh trở thành thói quen của người dân thì cần có thời gian tuyên truyền, vận động liên tục”.
Anh Nguyễn Hữu Vinh, ngụ tổ 1, khu phố 8, phường Phú Lợi, cho biết: “Gia đình tôi bán cơm, có con nhỏ nên rất quan tâm tới bệnh SXH. Khu phố có đến gia đình tuyên truyền giữ vệ sinh sạch sẽ, dọn dẹp quần áo, đồ dùng gọn gàng, lật úp vật dụng phế thải để muỗi không trú ngụ, đẻ trứng”.
Chủ động phòng, chống dịch
Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết bệnh SXH liên quan nhiều đến biến đổi khí hậu và các ổ bọ gậy không được xử lý. Do đó, công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng, nhưng nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường còn hạn chế, chỉ làm theo phong trào. Nhiều người dân vẫn cho rằng chỉ cần phun thuốc diệt muỗi là tiêu diệt được vật trung gian truyền bệnh nên phó thác toàn bộ việc phòng, chống dịch cho ngành y tế.
“Để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh SXH, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, như: Phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, giám sát chặt chẽ côn trùng, tình hình dịch bệnh… thì công tác tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, hạn chế tối đa muỗi sinh sôi, phát triển là vô cùng cần thiết để góp phần hạn chế ca bệnh SXH”, bác sĩ Trần Văn Chung, cho hay.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, như: Xây dựng kế hoạch phòng chống, đẩy mạnh hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời. Đặc biệt, ngành y tế tỉnh cũng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các điểm nóng để có chỉ đạo kịp thời; tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống SXH tại các huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng cao như TP.Tân Uyên, TP.Dĩ An, TP.Thuận An.
Ngành cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền và tổ chức các sự kiện để vận động chính quyền địa phương cũng như cộng đồng tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống. Vào tháng 7 vừa qua, ngành y tế tỉnh đã tổ chức lễ phát động chiến dịch “Diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2023” tại TP.Dĩ An. Sau chiến dịch, đồng loạt 9/9 huyện, thị, thành phố và 91/91 xã, phường, thị trấn ra quân tổng vệ sinh môi trường. Hiện nay, các đơn vị được phân công đang tổ chức đi kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ, các địa điểm có SXH xảy ra; tất cả các ca SXH xảy ra phải kiên quyết xử lý kịp thời, triệt để, đúng quy trình, quy định.
H.LINH - D.HƯƠNG - H.MỸ