Công tác phòng chống tham nhũng: Ngày càng chuyển biến hiệu quả

Cập nhật: 19-04-2011 | 00:00:00

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định về phòng chống tham nhũng, từ đầu năm đến nay, Bình Dương có nhiều chuyển biến về lĩnh vực này.

Tuyên truyền quán triệt sâu và rộng

Với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cụ thể, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp xây dựng quy chế công tác giám sát về phòng và chống tham nhũng. Nhiều bài học được rút ra và đề ra những định hướng cho nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường hoạt động của HĐND các cấp hiệu quả hơn. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã duy trì việc chuyển tải thông tin tới các chi bộ, tới báo cáo viên tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu và học tập các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Các phương tiện thông tin đại chúng làm tốt vai trò thông tin, tuyên truyền. Số lượng bài, thời lượng phát sóng về phòng chống tham nhũng luôn được nâng lên. Chất lượng tin, bài cũng được nâng cao và thu hút được sự quan tâm của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Những chuyên trang mới có nhiều cải tiến nhằm chuyển tải nhanh, chính xác và có hiệu quả đã góp phần to lớn trong việc vận động thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

Hải quan Bình Dương đã có những đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính

Ngoài ra, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo việc tiếp tục tổ chức học tập và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” kết hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến 3.094 cuộc, có 195.334 lượt người tham dự. Đồng thời đã biên soạn dự thảo đề cương pháp luật, hỏi đáp pháp luật để đăng trong chuyên mục “Ngày pháp luật” trên website tỉnh; cấp phát 74 sách tài liệu; 1.560 đĩa VCD tuyên truyền pháp luật...

Phòng chống tham nhũng ngày càng hiệu quả

Bên cạnh công tác tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính ngày càng đổi mới đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm hạn chế điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng. Toàn tỉnh đã hoàn thành bước 2 Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30), đồng thời đang tập trung triển khai thực hiện bước 3, đẩy mạnh hoạt động tổng rà soát, tiến hành lấy ý kiến góp ý của các ngành, các cấp và kiến nghị Trung ương sửa đổi 59,5% thủ tục hành chính đã được ban hành (trong tổng số 1.891 thủ tục hành chính hiện hành).

Công tác công khai, minh bạch các quy trình về thủ tục hành chính cũng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện dưới các hình thức khác nhau như: công khai trên trang thông tin điện tử của tỉnh, mạng máy tính nội bộ, ki-ốt thông tin, bảng biểu nơi công sở, để công dân và các doanh nghiệp trên địa bàn thuận tiện trong việc cập nhật thông tin, tuân thủ thực hiện và giám sát hoạt động các cơ quan Nhà nước, cũng như giám sát đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm thực hiện đúng mức. Trong quý I, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1997 đến năm 2010; thông báo gửi các sở, ngành đề nghị tự kiểm tra, xử lý đối với Quyết định số 27/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định trình tự, thủ tục tiếp công dân, tiếp nhận đơn và giải quyết đơn tranh chấp đất đai, đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thanh, kiểm tra 20 cuộc ở 554 đơn vị, cá nhân, hộ kinh doanh cho biết, đã phát hiện và kiến nghị xử lý chấn chỉnh công tác quản lý, xử phạt vi phạm hành chính 286 trường hợp (ở các lĩnh vực xây dựng, văn hóa, công thương...), phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 1,029 tỷ đồng, thu hồi gần 930 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

Để đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn nữa, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cho biết, tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục các quy định về phòng, chống tham nhũng, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiến hành rà soát, sửa đổi, loại bỏ những thủ tục bất hợp lý, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, đạo đức công vụ, tính liêm chính của cán bộ công chức. Thắt chặt việc quản lý và sử dụng tài sản công, thực hiện công khai minh bạch theo đúng quy định, tạo điều kiện để phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng. Điều quan trọng là các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực một cách thiết thực và có hiệu quả; góp phần thực thi Nghị quyết số 11 của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nguy cơ tham nhũng...

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên