Công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu
(BDO) Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp
Theo báo cáo, năm 2024, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội đạt 83,48% (cao hơn 8,48% so với chỉ tiêu Quốc hội giao).
Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.
Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy.
Theo Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2024, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tập trung cao độ; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản được hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt và vượt.
Công tác quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục được duy trì, bảo đảm. Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp duy trì, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các tiện ích trên VNeID. Tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Chủ động tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở có kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật phải chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược từ sớm, từ xa...
Cùng với đó, tấn công trấn áp mạnh, quyết liệt với các loại tội phạm. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ các lĩnh vực công tác phòng, chống tội phạm...
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện. Ngoài ra, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả, tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính
Cũng tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ nhìn nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện.
Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn. Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, giải quyết kịp thời các tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”./.
Theo TTXVN