Công tác quy hoạch vượt quá khả năng của nhiều xã

Cập nhật: 27-06-2012 | 00:00:00

Toàn tỉnh có 60 xã thuộc khu vực nông thôn. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2020 toàn bộ 60 xã này được xác định sẽ hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Theo lộ trình đã đề ra, đến năm 2013 sẽ có 5 xã trong số đó đạt chuẩn xã NTM và đến năm 2015 là 30 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, tính đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 2 xã đạt 10/19 tiêu chí, 16 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí và có 12 xã đạt dưới 6 tiêu chí. Hiện tại, 5 xã điểm sẽ hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2013 đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Trong đó, Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát) là xã đạt nhiều tiêu chí nhất trong bộ tiêu chí, nhưng cũng chỉ ở mức 10/19 tiêu chí. Tuy số tiêu chí đạt thấp, nhưng nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nhiều địa phương trong tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

 Mục tiêu cơ bản của chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: “Tiến trình xây dựng nông thôn mới là tiến trình lâu dài...”

Xây dựng NTM sẽ làm cho bộ mặt các xã nông thôn đổi thay; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Tiến trình xây dựng NTM là tiến trình lâu dài, nhưng phải phù hợp với lộ trình phát triển chung của tỉnh. Do vậy, các tiêu chí được thực hiện tại các xã NTM phải mang tầm vùng; quy hoạch phải dựa trên hiện trạng sẵn có của các xã. Để có quy hoạch tốt, tỉnh sẽ ưu tiên kinh phí cho quy hoạch tại mỗi xã nhưng sẽ không quá 400 triệu đồng...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Rum: “Công tác quy hoạch tại nhiều xã quá tập trung vào cơ sở hạ tầng...”

Điểm lúng túng nhất của các địa phương hiện nay là thực hiện quy hoạch. Trong khi đó, đơn giá kinh phí dành cho công tác này chưa phù hợp. Quy hoạch tại các xã vướng mắc còn do nhiều tiêu chí chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong khi đó, công tác quy hoạch của nhiều xã quá đi sâu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Cán bộ các xã vẫn chưa thể tham gia vào công tác quy hoạch, vì vậy phong trào xây dựng NTM chưa thể phát triển mạnh mẽ.

Đạt được kết quả nói trên là nhờ các sở ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí gắn với thực hiện quy hoạch, kế hoạch của ngành và địa phương. Các nội dung xây dựng NTM đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền các cấp và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được các địa phương đầu tư hoàn thành các tiêu chí NTM. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM tại Bình Dương vẫn còn những khó khăn nhất định. Một số tiêu chí, chỉ tiêu về NTM chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đạt thấp so với tiêu chí, như: Thu nhập, cơ cấu lao động, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... Tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án NTM còn chậm; chất lượng đồ án quy hoạch đạt thấp, nhất là nội dung quy hoạch phát triển sản xuất. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay tuy có nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, nhưng do chưa được đào tạo bài bản về kiến thức quản lý xây dựng cơ bản, quản lý kinh tế, tài chính... nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; nhận thức của một số cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ, còn thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; cơ chế, chính sách hỗ trợ, quản lý tài chính đầu tư của chương trình chưa có sự hướng dẫn thống nhất của bộ ngành chuyên môn.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên là do công tác tuyên truyền, đào tạo chưa sâu rộng trong cán bộ và nhân dân; sự phối hợp, triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành của các sở ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, lúng túng; chưa huy động được sức dân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn và các tổ chức kinh tế khác cùng chung sức xây dựng NTM; Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp xã, ấp chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là thực hiện chỉ tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch còn vượt quá khả năng của cán bộ nhiều xã. Mặc dù các xã phải thuê đơn vị tư vấn, nhưng do phía tư vấn còn thiếu kinh nghiệm về quy hoạch NTM, không am hiểu về thế mạnh, tập quán của địa phương nên công tác quy hoạch vẫn chưa thật sát hợp với địa phương.

Mục tiêu chủ yếu của Bình Dương đến cuối năm 2012 là sẽ hoàn thành cơ bản việc lập quy hoạch xã NTM. Trong đó, có 5 xã điểm hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện đề án xã NTM; 30 xã còn lại thành lập Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển ấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng cán bộ và triển khai công tác lập quy hoạch và đền án NTM; huy động nguồn lực và phân bổ vốn ưu tiên dự án xây dựng NTM ở 5 xã điểm để nhân rộng mô hình; phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người nông thôn của tỉnh cuối năm 2012 đạt 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 1,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 96,2%...

Tính đến nay, toàn tỉnh chỉ có duy nhất 1 xã là An Sơn (TX.Thuận An) được phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015; 3 xã điểm Bạch Đằng (Tân Uyên), Chánh Phú Hòa (Bến Cát) và Tân Long (Phú Giáo) đã hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chung trình UBND các huyện chờ phê duyệt. 26 xã được phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và phát triển xây dựng đề án xã NTM. 22 xã đang xây dựng đồ án quy hoạch chung và triển khai xây dựng đề án xã NTM. Số xã còn lại đang triển khai quy hoạch.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên