Công tác tấn công tội phạm kinh tế: Nhiều vụ án phức tạp nhanh chóng được làm rõ

Cập nhật: 16-10-2021 | 09:30:16

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an (CA) tỉnh, trong 9 tháng năm nay, lực lượng CA đã có nhiều nỗ lực trong việc phát hiện, điều tra xử lý và giải quyết các vụ việc, luôn khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong 9 tháng năm 2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế - CA tỉnh đã phát hiện 495 vụ, 362 đối tượng vi phạm kinh tế, giảm 11 vụ so với cùng kỳ. Các hành vi vi phạm chủ yếu như vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; vi phạm lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; vi phạm về nhãn hàng hóa; kinh doanh trái phép; vi phạm về lĩnh vực thuế; làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức; sản xuất, buôn bán hàng giả… Hàng hóa tạm giữ ước tính khoảng 30,5 tỷ đồng.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế đang kiểm đếm tang vật tại một kho hàng không hóa đơn, chứng từ hợp pháp

Đặc biệt là trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lực lượng cảnh sát kinh tế đã tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhất là kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để vi phạm pháp luật như buôn lậu, buôn bán hàng giả, đầu cơ, găm hàng và nâng cao giá bán các mặt hàng liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Một trong những vụ việc điển hình là vào ngày 8-9, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TM và DV Kim Vĩnh Phát và Cửa hàng Dịch vụ y tế Kim Phát tại số 348 đại lộ Bình Dương, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một và phát hiện tại cửa hàng đang bày bán trên 54.000 sản phẩm là trang, thiết bị y tế các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa nói trên và có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa. Vụ việc hiện đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo báo cáo, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai tiếp tục diễn biến phức tạp. Thủ đoạn chủ yếu là các chủ đầu tư lập dự án xin xây dựng khu dân cư, khi chưa đủ các điều kiện chuyển nhượng theo quy định nhưng chủ đầu tư đã ký kết các hợp đồng giao dịch như “Hợp đồng giữ chỗ”, “Hợp đồng đặt cọc”; hoặc các đối tượng lập các dự án “ma” rồi rao bán, chiếm đoạt tiền của người dân. Trong 9 tháng năm 2021, Phòng Cảnh sát kinh tế đã khởi tố 26 vụ, 10 bị can liên quan đến lĩnh vực đất đai. Điển hình như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Phú Đại Tín, Công ty Ba Thành Phát, Công ty Điền Phú Phát, Công ty Phước Điền, vụ Lê Công Bằng…

 KHÁNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên