Có thể nói, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, những người làm công tác tuyên huấn đã tự hào hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong những năm qua, công tác tuyên giáo ở Bình Dương ngày càng trưởng thành về nhiều mặt, góp phần ổn định chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, hiện đại.
Cán bộ tuyên giáo qua các thời kỳ họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu MộtTheo tài liệu lịch sử ngành tuyên giáo, ở Bình Dương, sau khi cùng cả nước giành được chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những thủ đoạn âm mưu của kẻ thù, các đồng chí trong Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt quan tâm và trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ. Đến ngày 10-5-1949, thay mặt Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đồng chí Vũ Duy Hanh ký quyết định thành lập 3 ban, gồm: Ban Văn thư, Ban Tuyên huấn, Ban Tài chính. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, khó khăn, những người làm công tác tuyên huấn tỉnh nhà có thể tự hào vì đã có mặt trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc.Phát huy những truyền thống vẻ vang của ngành tuyên huấn cũ, trong những năm qua, những người làm công tác tuyên giáo BD không ngừng vươn lên về mặt tổ chức và nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cấp ủy địa phương và của cấp trên giao. Một trong những điểm đáng khen nhất trong thời gian qua của ngành tuyên giáo luôn sâu sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân; có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác để làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy những quyết sách phù hợp lòng dân, định hướng về nhận thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, tạo động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà phấn đấu giành được những thành tựu trên mọi lĩnh vực.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Liêm, sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ làm công tác tuyên giáo hôm nay một mặt là do cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên giáo luôn trau dồi những bài học đạo đức cách mạng về công tác tuyên giáo và thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi, sáng tạo trong định hướng chính trị, tư tưởng. Mặt khác là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn sáng suốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong khối, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền... Để công tác tuyên giáo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tạo ra sự thống nhất cao hơn nữa trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, trong thời gian tới, ngành tuyên giáo BD tiếp tục tuyên truyền thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà và hội nhập kinh tế quốc tế. Trước mắt, ngành tuyên giáo sẽ tích cực tổ chức tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; tích cực tuyên truyền xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng cấp trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; tiếp tục tuyên truyền thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong Đảng và trong xã hội.
“Phương châm của ngành tuyên giáo trong thời gian tới là luôn hướng về cơ sở, tham mưu kịp thời cho cấp ủy nắm bắt chính xác tình hình, tham mưu biện pháp giải quyết đúng, thông tin đầy đủ tình hình để định hướng dư luận. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục; mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại; chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng; định hướng và giải đáp những vướng mắc phát sinh từ cơ sở; tập trung cho công tác tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ngành tuyên giáo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; kịp thời đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta, gây mất ổn định chính trị, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; kiên quyết ngăn chặn thủ đoạn tung tin đồn thất thiệt, phát tán tài liệu xấu, giữ gìn đoàn kết nội bộ, bảo vệ thành công đại hội Đảng cấp trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX”.
HỒ VĂN
Để ghi nhận công lao đóng góp của các cán bộ làm công tác tuyên giáo qua các thời kỳ của tỉnh, từ năm 2000 đến nay, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã quyết định trao tặng 420 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng - Văn hóa”; Ban Khoa giáo Trung ương trao tặng 135 Huy chương “Vì sự nghiệp Khoa giáo”, Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương trao tặng 45 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp lịch sử Đảng” cho những đồng chí đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp tuyên giáo. Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn nhận được Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, nhiều cờ thi đua và bằng khen của Trung ương và tỉnh.