Công trình đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh: Động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ sáu, ngày 30/06/2023

(BDO) Sáng 29-6, sau thời gian tích cực chuẩn bị, UBND tỉnh đã tổ chức lễ động thổ xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các địa phương TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An.

Kết nối nhiều tỉnh, thành

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34 km, đi qua địa phận TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với 8 làn xe, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h, đường song hành hai bên cấp đô thị 2-3 làn xe, tốc độ 60 km/h và các hành lang cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo tỉnh và các địa phương tham dự và thực hiện nghi thức tại lễ động thổ xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: MINH DUY

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Dự án đường Vành đai 3 có ý nghĩa quan trọng đối với người dân và doanh nghiệp, sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bình Dương và các tỉnh, thành có điều kiện rút ngắn thời gian đi lại, kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành, các cảng biển… Thời gian tới với những tuyến đường kết nối được đầu tư như Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Bình Dương cũng như các tỉnh thành khu vực phía Nam phát triển mạnh hơn.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:

Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ. Để thực hiện thành công dự án, đề nghị chủ đầu tư làm việc với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An cần tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, bảo đảm bàn giao ít nhất 70% mặt bằng cho các gói thầu tổ chức động thổ xây dựng.

Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán ách tắc giao thông ở các đô thị lớn địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, tạo tuyến giao thông kết nối thúc đẩy giao thương phát triển mạnh không chỉ cho 4 địa phương mà cho cả Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Đường Vành đai 3 có thể kết nối với các tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương; TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài; TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, tạo liên kết cho cả vùng.

Chia sẻ tại lễ động thổ dự án, ông Phạm Thành Trung, người dân ở khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, cho biết gia đình có 1.500m2 đất nằm trong dự án, được đền bù hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh chính sách đền bù thỏa đáng, người dân thấy được lợi ích chung của dự án sẽ tạo thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa nên rất đồng thuận. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An chia sẻ thêm, để dự án sớm khởi công, thời gian qua chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tất cả người dân thấy được lợi ích chung dự án đem lại. Đồng thời, thông qua các buổi đối thoại, lắng nghe nguyện vọng đề xuất của người dân, từ đó chính sách áp giá đền bù được điều chỉnh gần sát với giá thị trường nên nhận được sự đồng thuận cao.

Mở rộng không gian phát triển

Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết: “Với vai trò là chủ đầu tư dự án, ngay sau lễ động thổ, chúng tôi sẽ phối hợp với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát để triển khai thi công bảo đảm về mặt chất lượng, tiến độ. Vành đai 3 là dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, tập thể cán bộ, công nhân viên đơn vị cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa, bám sát công trình, kiểm tra chặt chẽ để công trình đạt được tiến độ, chất lượng. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, người dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn thuộc dự án đường Vành đai 3

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết đường Vành đai 3 là một dự án quan trọng quốc gia với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Dự án xây dựng nhằm giảm tình trạng quá tải hạ tầng giao thông ở cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải liên vùng, mở rộng phát triển đô thị, giảm thời gian và chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Mai Hùng Dũng cho biết.

Có thể thấy, cùng với các dự án giao thông trọng điểm mà Chính phủ đang quyết tâm triển khai tại khu vực phía Nam, dự án Vành đai 3 được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt trong hoạt động giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Đây chắc chắn sẽ là tuyến đường mang đến nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp sau khi thông tuyến.

Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương dài khoảng 26,6 km. Trong đó nút giao Tân Vạn 2,4 km, đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn 8,9 km, đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn 15,3 km. Tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án thành phần 5 tổng chi phí xây lắp 5.752 tỷ đồng; dự án thành phần 6 với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 13.528 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2026.

MINH DUY