Công trình nhà ở khu dân cư, khu thương mại quy mô dưới 7 tầng phải xây dựng theo đúng thiết kế cơ sở…

Cập nhật: 10-09-2022 | 08:18:00

(BDO) Vừa qua, một số khách hàng đã phản ánh sự việc mua sản phẩm dự án nhà ở khu đô thị, khu dân cư, có quy định quy cách xây dựng số tầng, kiến trúc theo thiết kế của chủ đầu tư, khách hàng không được xây dựng theo ý mình. Để làm rõ vấn đề cũng như cung cấp thông tin cụ thể, rõ ràng theo quy định pháp luật đến khách hàng, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Bồ Kỹ Thuật, Phó Giám đốc Sở Xây dựng xung quanh vấn đề này.

 Khu đô thị Suncasa Central tại thành phố mới Bình Dương được xây dựng văn minh, hiện đại

 - Xin ông cho biết tình hình xây dựng các dự án nhà ở thương mại, khu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện nay?

- Tính đến nay, Bình Dương có trên 520 dự án phát triển nhà ở thương mại, trong đó có trên 350 dự án nhà ở đang triển khai. Các dự án nhà ở phân bố không đồng đều, đang tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị phía nam của tỉnh. Các dự án mới được các địa phương đăng ký phát triển trong thời gian gần đây cũng đã ghi nhận một số lượng nhất định ở các khu vực phía bắc của tỉnh.

Phân khúc đất nền được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án phát triển nhà ở thương mại thu hút các nhà đầu tư và người dân có nhu cầu xây dựng nhà để ở chiếm ưu thế, đặc biệt tại các đô thị nén như TP.Dĩ An, TP.Thuận An đã góp phần trong công tác chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực. Tính đến nay, 72 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật để người dân tự xây dựng với sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những dự án nhà phố liền kề cũng xuất hiện nhiều dự án bất động sản đầu tư xây dựng chung cư cao tầng, góp phần tạo điểm nhấn cho không gian đô thị nói chung và tạo dựng hình ảnh trong quá trình phát triển đô thị tại Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại, tiến đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh trong tương lai.

Về tình hình đầu tư xây dựng, đa số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại đã triển khai dự án theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các dự án được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở, chủ đầu tư dự án đã giám sát việc người dân xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt.

- Việc khách hàng phải xây dựng theo đúng thiết kế ban đầu của chủ đầu tư là đúng hay sai theo Luật Quy hoạch và quy định cấp phép xây dựng về nhà ở, thưa ông?

- Theo quy định tại Điều 54 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 thiết kế cơ sở là một phần trong nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án, công trình xây dựng phải thực hiện bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, đối với các dự án nhà ở khu dân cư, khu thương mại, chủ đầu tư dự án phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

 Bình Dương có trên 520 dự án phát triển nhà ở thương mại, trong đó có trên 350 dự án nhà ở đang triển khai. Các dự án nhà ở phân bố không đồng đều, đang tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị phía nam của tỉnh. Các dự án mới được các địa phương đăng ký phát triển trong thời gian gần đây cũng đã ghi nhận một số lượng nhất định ở các khu vực phía bắc của tỉnh.

Căn cứ theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được chủ đầu tư phê duyệt thì các công trình nhà ở khu dân cư, khu nhà ở thương mại “có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” sẽ được miễn giấy phép xây dựng. Đối với công trình được miễn giấy phép xây dựng, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý trật tự xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng sẽ “kiểm tra sự phù hợp của việc xây dựng với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế đã được thẩm định đối với trường hợp thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định”. Do đó, việc chủ đầu tư yêu cầu khách hàng phải xây dựng theo đúng thiết kế cơ sở để bảo đảm điều kiện công trình đó được miễn giấy phép xây dựng và không vi phạm trật tự xây dựng là phù hợp theo quy định hiện hành.

- Đối với những căn nhà tại các dự án khi xây dựng không đúng theo cấp phép, xử lý ra sao, thưa ông?

- Theo khoản 30 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/ QH14 ngày 17-6-2020 quy định các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, trong đó gồm “Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Đối với những công trình (căn nhà) xây dựng được miễn giấy phép xây dựng nhưng xây dựng không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định bị xử lý vi phạm hành chính, trong đó việc xác định và áp dụng các quy định pháp luật để xử lý vi phạm căn cứ vào thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Cụ thể: Điều 83 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28- 1-2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định việc xử lý đối với Hành vi vi phạm hành chính về xây dựng xảy ra trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành”.

Đối với hành vi vi phạm xảy ra từ ngày Nghị định 16/2022/ NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ có hiệu lực thi hành được quy định xử lý như sau:

Đối với các công trình vi phạm mà thuộc trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh thiết kế xây dựng mà đang thi công xây dựng vi phạm, sẽ xử lý theo quy định tại khoản 8 Điều 16 về hành vi “hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng” và Điều 81 (Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, cụ thể:

(1) Về hình thức xử phạt chính: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

(2) Về biện pháp khắc phục hậu quả: Trong thời hạn quy định kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đối tượng vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh. Hết thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định thì người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm (theo khoản 16 Điều 16 và Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng). Đối với công trình vi phạm mà hành vi vi phạm đã kết thúc, ngoài hình thức phạt tiền (nếu còn trong thời hiệu xử phạt) còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

- Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên