Trong tình hình khó khăn chung của toàn ngành, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) vẫn duy trì doanh thu ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy sự bền bỉ của một thương hiệu mạnh.
Đứng vững trong khó khăn
Lợi thế của PHR là đã có nhiều thế hệ công nhân lao động xây dựng công ty với tấm lòng nhiệt huyết, luôn sáng tạo trong sản xuất và không ngừng mở rộng thị trường. Nhờ đó, PHR đã vươn lên trở thành một doanh nghiệp tầm cỡ không chỉ của riêng ngành cao su mà còn là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần vượt khó của đất và người Bình Dương.
Dây chuyền chế biến mủ tại Công ty PHR
Năm 2013, tình hình chung của toàn ngành cao su là rất khó khăn do giá cả giảm liên tục, đến gần 50% so với năm 2012. PHR với 2/3 diện tích cây khai thác thuộc nhóm 3 già cỗi, năng suất thấp lại nhiễm bệnh phấn trắng đầu mùa khai thác, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sản lượng, làm doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh. Tuy nhiên, trong tình thế khó khăn ấy, PHR vẫn vững vàng ổn định sản xuất và tìm kiếm lợi nhuận lớn.
Theo báo cáo mới nhất, năm 2013 PHR khai thác được 19.195 tấn mủ cao su quy khô, năng suất bình quân đạt 2,02 tấn/ha. Bên cạnh đó, công ty còn thu mua được hơn 11.000 tấn mủ từ vườn cây khoán, vườn cây tư nhân trên địa bàn. Nhờ đó, trong năm công ty tiêu thụ được đến 29.580 tấn cao su thành phẩm và 937 tấn mủ khác với giá bán bình quân 53,7 triệu đồng/tấn. Doanh thu toàn công ty năm 2013 đạt 1.864 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu lên đến 35 triệu USD. Từ việc bảo đảm tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, PHR đạt lợi nhuận sau thuế lên đến 371 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 239 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận chỉ bằng 58% so với năm 2012 nhưng đó lại là một kết quả ghi nhận nỗ lực cao của cán bộ, công nhân viên PHR.
Tự tin cho ngày mới
Giá bán sản phẩm bình quân của PHR thường cao hơn 2 - 3% so với các công ty khác trong 3 năm qua. Có được điều đó là do sản phẩm cao su chất lượng cao như SVR CV50-60 chiếm đến 55% tổng sản phẩm của PHR. Hơn nữa, PHR gần như là công ty cao su duy nhất trong ngành tiêu thụ được nhiều sản phẩm cao su CV50-60 nhờ lượng khách hàng truyền thống lâu năm và ổn định.
Một thông tin đầy lạc quan khác là lợi tức cổ phiếu của PHR vẫn rất cao so với các mã chứng khoán khác trên sàn giao dịch. Từ khi tham gia sàn chứng khoán, lợi tức cổ phiếu hàng năm của PHR ổn định ở mức 10% mỗi năm. Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 71,3 triệu thì tổng chi phí cổ tức hàng năm là 215 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư vào cổ phiếu của PHR có thể yên tâm với dòng tiền của mình.
Chính vì thế, dù dự đoán giá cao su trong năm 2014 khó tăng trở lại trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhưng chính từ nội lực của mình, PHR vẫn tự tin đưa ra kế hoạch tiêu thụ đến 28.500 tấn cao su các loại trong năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 211 tỷ đồng. Ông Lê Phi Hùng, Tổng Giám đốc PHR, cho biết: “Trong thời điểm khó khăn chung của toàn ngành, công ty nỗ lực sản xuất, kinh doanh hơn nữa để tìm kiếm lợi nhuận, duy trì ổn định hoạt động và duy trì đời sống cho anh chị em trong công ty. Điều quan trọng nhất là công ty sẽ phát động phong trào thi đua rèn luyện tay nghề, nâng cao năng suất lao động, ý thức trách nhiệm và hiệu quả trong công việc của từng thành viên”.
Quy trình công nghệ được tuân thủ chặt
PHR xác định việc tuân thủ chặt các quy trình sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Chính vì thế, hàng năm tại PHR có hàng trăm ha cao su được đưa vào diện buộc phải thanh lý để tái canh, nhằm thay đổi giống, bảo đảm mật độ và ổn định năng suất cho vườn cây mới. Chỉ trong năm 2013, công ty thực hiện trồng tái canh 611,68 ha, tỷ lệ cây sống 4 tầng lá đến nay đạt 100%, trong đó cây đạt 5 tầng lá trở lên chiếm 92,3%.
Hàng năm các nông trường luôn kiểm tra sát sao kỹ thuật khai thác cũng như quy trình làm việc của công nhân. Do đa số vườn cây của công ty đến chu kỳ thanh lý, mặt khác, để thực hiện đổi giống mới nên diện tích khai thác của PHR liên tục giảm. Tuy nhiên, công ty vẫn khai thác vượt sản lượng mủ quy khô và quản lý thâm canh chăm sóc hiệu quả diện tích vườn cây cao su.
Đi đôi với việc ứng dụng tốt các kỹ thuật nông nghiệp, PHR còn mạnh dạn đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống nhà máy chế biến mủ tại chỗ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty còn xây dựng được một phòng quản lý chất lượng phù hợp theo TCVN ISO/IEC 17025:2005. Nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO: 9001:2008, sản phẩm của PHR như mủ SVRCV 50, SVRCV 60, SVR L, SVR 3L được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.
Trong thời gian sắp tới, PHR sẽ tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm SVRCV 50 - 60 đạt mức 45% đến 50% trong cơ cấu sản phẩm (tăng 5% đến 10% so với hiện nay). Công ty cũng đã triển khai xây dựng hệ thống ISO 14001 và đến tháng 12-2013, công ty được tổ chức Quacert đánh giá đạt tiêu chuẩn ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường. Đây được xem là nền tảng quan trọng trong công tác phát triển sản xuất, kinh doanh trong những năm tới của PHR.
TẬP THỂ “VÀNG”
Tiền thân từ một đồn điền cao su, rồi nông trường cao su, đến nay PHR vươn lên nằm trong tốp 5 đơn vị quản lý diện tích và sản lượng cao su lớn nhất ngành. Không những thế, trong thời kỳ đổi mới, PHR còn nhận hàng loạt bằng khen của các cấp, Huân chương Lao động hạng 1, 2, 3; Huân chương Độc Lập hạng 2, 3… PHR đã đạt danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1995-2004). Công ty còn được chọn đứng hàng thứ 5 trong bảng danh sách “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” trên sàn chứng khoán vào năm 2013.
Ngày 16-3-2014 vừa qua đánh dấu một mốc son khác của PHR khi công ty vinh dự là một trong 20 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ trao “Giải thưởng chất lượng vàng quốc gia năm 2013” (ảnh). Đây là giải thưởng dành cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Được biết, trước đó công ty đã đạt liền 2 giải bạc vào các năm 2010, 2011. Tuy nhiên, để với tới giải vàng là điều không dễ, bởi dù đạt hết 6/7 tiêu chí nhưng công ty vẫn bị “vướng” vấn đề môi trường. Tạm ngừng 2 năm với chi phí đầu tư lũy kế lên đến 31 tỷ đồng, PHR đã đạt cái ngưỡng vàng đầy ngoạn mục.
Đưa chúng tôi tham quan phòng trưng bày hàng chục huân chương, bằng khen, giấy khen, cúp vàng, cúp bạc… ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc PHR, vui mừng cho biết: “Để đạt được giải thưởng chất lượng vàng quốc gia lần này là cả một quá trình phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty chúng tôi. Giờ đây PHR đã là một thương hiệu không chỉ bó hẹp trong ngành cao su”.
Quả thật, giờ đây PHR không chỉ là mã chứng khoán xanh mướt trên sàn, cũng không chỉ là cái tên như ngày nào vì cái tên ấy giờ là một thương hiệu mạnh, một tập thể vàng vững bước trong sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi.
K.VINH