Thời tiết đang trong cao điểm nắng nóng, mực nước các hồ thủy điện đang xuống thấp, đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, có khả năng xảy ra thiếu điện. Trước tình hình trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) xung quanh công tác bảo đảm cung cấp điện liên tục, an toàn phục vụ đời sống, sản xuất trên địa bàn.
- Ngành điện tiếp nhận nguồn ra sao để bảo đảm cung cấp điện xuyên suốt, an toàn, thưa ông?
- PCBD đang quản lý 59 đường dây 110kV với tổng chiều dài là 437,61km, hiện có 3/59 đường dây 110kV (chiếm 5,08%) thường xuyên vận hành đầy tải, mang tải cao. Phụ tải thuộc PCBD quản lý hiện đang nhận nguồn từ 27 trạm biến áp (TBA) 110/22kV, với tổng công suất là 3.280MVA, trong đó bao gồm 50 máy biến áp (MBA) có dung lượng 63MVA, 2 MBA có dung lượng 40MVA và 2 MBA có dung lượng 25MVA. Ngoài ra, PCBD còn nhận nguồn từ 2 trạm 220/110/22kV do Công ty Truyền tải điện 4 quản lý gồm trạm Bình Hòa 2 MBA 63MVA và trạm Thuận An 2 MBA 63MVA. Trong đó có 27/58 MBA (chiếm 46,55%) thường xuyên vận hành đầy tải, mang tải cao.
Công ty Điện lực Bình Dương đầu tư nhiều công trình, dự án để bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn. Ảnh: MINH DUY
Trong những tháng đầu năm 2024, công suất tối đa (Pmax) tại PCBD đạt 2.492,09MW (ngày 12-3-2024), cao hơn Pmax năm 2023 (2.478,58MW ngày 9-11-2023) 13,51MW, tương ứng tăng 0,5%. Ngoài ra, khả năng san chuyển tải để giảm tải đường dây và TBA 110kV cũng không thể thực hiện do quá tải lưới điện truyền tải. Do đó, việc sang tải giữa các khu vực phụ tải cao như: TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TX.Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương là hết sức khó khăn. Cụ thể, trường hợp 1 MBA 110kV trong các khu vực này bị sự cố thì không thể nào thực hiện sang chuyển tải, cần nhiều thời gian để tái lập điện.
Dự báo trong các tháng mùa khô, đặc biệt vào tháng 5 và 6, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài có thể gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện trong cả nước, trong đó có Bình Dương.
Nhân viên đội sửa chữa “nóng” PCBD bảo trì lưới điện tại cụm sản xuất Phú Chánh, TP.Tân Uyên
- Xin ông nói rõ về kế hoạch cụ thể cung cấp điện trên địa bàn tỉnh hiện nay và thời gian tới?
- Với tốc độ phát triển phụ tải hiện nay trên địa bàn tỉnh, để đáp ứng nhu cầu, PCBD đã triển khai xây dựng các kế hoạch, phương án cung cấp điện mùa khô và cả năm 2024 ngay từ những tháng cuối năm 2023 với dự báo nhiều tình huống xảy ra khi các công trình lưới điện 110kV đưa vào vận hành chưa kịp thời. Cụ thể, PCBD đã rà soát, cập nhật danh sách khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, với mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên để có kịch bản điều hành bảo đảm cấp điện. PCBD đã báo cáo với UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo Ban điều hành cung cấp điện của tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án cung cấp điện trong tình huống mất cân đối cung cầu, hệ thống điện miền Nam thiếu nguồn điện.
PCBD đang triển khai thi công các công trình đầu tư xây dựng tăng cường cấp điện, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đóng điện các công trình lưới điện 110kV trên địa bàn. Song song đó, PCBD tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động khách hàng tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải.
Bên cạnh đó, PCBD đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc tăng cường kiểm tra, củng cố lại toàn bộ lưới điện, kịp thời khắc phục, xử lý ngay các khiếm khuyết; rà soát khu vực có phụ tải tăng cao, kiểm tra thường xuyên tình trạng mang tải của các lộ ra, các trạm biến áp tại các khu vực có khả năng xảy ra quá tải để có biện pháp xử lý như nâng công suất, chuyển tải, nâng tiết diện dây dẫn, nâng cấp thiết bị đóng cắt. PCBD cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện lắp bù công suất phản kháng để tăng khả năng truyền tải công suất trên lưới điện; thông qua hệ thống đo xa, kiểm tra tình trạng các MBA phân phối, dự báo khả năng mang tải và lập phương án xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, PCBD cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình điện để bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn.
Đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền tiết kiệm điện hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2024
- Để sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả, ông có thể chia sẻ về các biện pháp thực hiện?
- Hóa đơn tiền điện hàng tháng tăng cao đột biến trong mùa nắng nóng luôn là mối quan tâm của nhiều hộ gia đình. Một số giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả là sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng lượng, không nên để thiết bị điện ở trạng thái chờ; sử dụng các thiết bị cảm biến chuyển động để bật/tắt đèn chiếu sáng, hẹn giờ để bật/tắt thiết bị điện gia dụng...
Đối với doanh nghiệp sản xuất, tiết kiệm điện sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thay đổi dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại, ít tiêu tốn năng lượng, kiểm toán hàng năm, có giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm nhằm tối ưu hóa chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sắp xếp lại ca kíp sản xuất, tránh sử dụng các thiết bị tiêu tốn điện lớn vào giờ cao điểm, không để thiết bị điện hoạt động không tải; tuyên truyền sâu rộng đến người lao động về thực hành tiết kiệm điện, tránh sử dụng điện lãng phí.
Ngành điện đã xây dựng công cụ ước tính tiền điện tại website https://uoctinhdiennang.evn. com.vn/. Công cụ trên nền web này sẽ giúp người dân, khách hàng dễ dàng tính toán, quản lý lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị. Việc đưa vào áp dụng công cụ ước tính điện năng thể hiện nỗ lực của ngành điện trong việc liên tục cải tiến, đưa dịch vụ điện đến với khách hàng ngày càng thuận lợi, công khai, minh bạch hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
MINH DUY (thực hiện)