Đầu năm 2011, Sadaco Bình Dương vướng vào khó khăn chung của các công ty sản xuất gỗ. Đơn hàng không thiếu nhưng giá cả không tăng trong khi chi phí sản xuất đội lên cao, hiệu suất hoạt động của nhà xưởng rộng 4.500m2 với 200 công nhân (CN) quá thấp khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm.
Tình hình khó khăn buộc DN phải thay đổi để tồn tại. Với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn và từ việc học hỏi kinh nghiệm từ các công ty khác, Sadaco Bình Dương bắt đầu thay đổi triệt để về việc sắp xếp nhân sự, máy móc đến các cung đường di chuyển của chi tiết sản phẩm trong nhà máy... Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất có lẽ là từ việc nhận thức của người CN. Hàng ngày, lãnh đạo công ty có mặt từ rất sớm và cùng với 200 CN của xưởng sinh hoạt dưới cờ 15 phút bằng những lời động viên, hô khẩu hiệu và hướng dẫn việc LBLP trong sản xuất. Quan trọng hơn, những sáng kiến kinh nghiệm nhằm tăng hiệu suất làm việc, giảm lãng phí phát sinh luôn được thưởng bằng tiền mặt tại chỗ xứng đáng.
“Muốn thay đổi trong sản xuất cần phải tác động đến chính túi tiền của họ” - ông Lê Mạnh, Giám đốc công ty cho biết. Từ khi thực hiện chương trình LBLP theo phương pháp của riêng mình, Sadaco Bình Dương liên tục nảy ra các sáng kiến kinh nghiệm làm tăng hiệu quả công việc. Chẳng hạn, máy cắt gỗ ngày xưa phải thực hiện các khâu vẽ, cắt nên chỉ làm khoảng 100 thanh/ngày, giờ thì nhờ sáng kiến thêm khuôn cố định bên dưới, máy đã cắt được 1.000 thanh/ngày. Hay máy khoan trước đây khoan một lần 1 lỗ nhưng giờ với phương pháp cải tiến đặt 3 mũi khoan so le lệch nhau thì khoan một lần 3 lỗ, tiết kiệm điện năng và thời gian đáng kể. Để làm bàn tròn, lúc trước CN phải làm từng thanh gỗ keo khác nhau rồi ghép lại rất chậm, nhưng giờ đây nhờ sáng kiến kinh nghiệm tạo ra máy mâm với chỉ 5 triệu đồng, bàn vẫn được ghép thành hình vuông rồi bỏ vào máy cắt thành hình tròn tuyệt đối, tạo sự đồng đều sản phẩm. Còn rất nhiều sáng kiến áp dụng khác nhằm LBLP cao nhất có thể để tăng giá trị lợi nhuận cho công ty.
MINH KHÁNH