Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng hiện có hơn 28.000 ha cao su. Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12 đến tháng 4 hàng năm là chu kỳ cây cao su thay lá. Đây cũng là thời điểm dễ xảy cháy vườn cây nếu thiếu sự tổ chức, triển khai các phương án phòng cháy vườn cây. Trong mùa khô năm 2011 này, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy vườn cây cao su hiệu quả...
Nhiệm vụ đầu tiên mà các nông trường phải triển khai thực hiện là công tác phòng cháy, chữa cháy trên vườn cây cao su. Theo đó, tại các vườn cây kiến thiết cơ bản và những lô cao su có nhiều thảm cỏ, tổ chức cày chống cháy và dọn sạch cỏ trong luồng cao su theo đúng quy định, ở mỗi đầu lô thực hiện các đường ngăn lửa rộng 6m. Tại các lô cao su ven sông suối, ruộng, bưng thực hiện đường băng cản lửa rộng từ 8 - 10m.
Quét lá và vệ sinh vườn cây cao su, một trong những giải pháp của công tác PCCC tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng
Mua khô cũng là mùa cây cao su thay lá vì vậy rất dễ xảy ra cháy trên vườn cây, các nông trường đã giao khoán cho từng công nhân phải tổ chức quét lá trong các luồng cao su ở mỗi phần cây phụ trách dưới sự giám sát của tổ trưởng từng đơn vị. Song song đó, lực lượng bảo vệ của các lô cao su bảo đảm trực gác 100% quân số và thời gian trực là 24/24 giờ. Tại các trạm gác trang bị đầy đủ các dụng cụ chữa cháy như chổi, cuốc, xẻng, thùng chứa nước, kẻng báo cháy... Lực lượng bảo vệ của các trạm gác phối hợp với lực lượng công nhân bảo vệ tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý ngay các đám cháy nhỏ xảy ra trên các lô cao su. Ngoài nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên các vườn cây, các nông trường còn thực hiện công tác PCCC ở khu vực các nông trường, nhà kho, nhà trẻ, trạm xá. Ở các khu vực này tổ chức phát quang, dọn cỏ, sắp đặt hàng hóa khoa học, có khoảng cách an toàn, các bình gas nhà trẻ phải được kiểm tra thường xuyên và đặc biệt phải trang bị đầy đủ các dụng cụ PCCC cũng như bảng nội quy, biển cấm lửa...
Đối với các nhà máy chế biến mủ cao su, tổng kho, xí nghiệp ngoài các quy định chung như đã nêu, từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch PCCC sát với tình hình thực tế của từng đơn vị. Song song đó là bố trí lực lượng bảo vệ theo quy định; thường xuyên kiểm tra các đường dây điện và hệ thống lưới điện; nghiêm cấm việc tự ý câu móc và sử dụng điện tùy tiện. Ở khu vực làm việc, trước khi ra về cán bộ, nhân viên phải cúp cầu dao điện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó phòng Thanh tra - Bảo vệ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết để công tác PCCC trên vườn cây cao su và ở các nhà máy, xí nghiệp đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã tham mưu Ban Giám đốc công ty kế hoạch PCCC và chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án PCCC, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho công nhân và nhân dân địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bố trí 3 xe cứu hỏa ở khu vực khối phòng ban công ty, Nhà máy Chế biến cao su Bến Súc và Nhà máy Chế biến mủ cao su Long Hòa để kịp thời xử lý và ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
PCCC là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân. Công tác này phải được đặt lên hàng đầu và tích cực đề phòng nhằm không để xảy ra các vụ hỏa hoạn làm thiệt hại về tài sản cũng như con người. Với những giải pháp trên, tin tưởng rằng công tác PCCC của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan trong mùa khô này.
HOÀNG PHONG